Lớp 12

Ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

Đề bài: Ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

y nghia an du cua hinh tuong tieng dan trong bai tho dan ghi ta cua lor ca

Ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca

Bài làm:

Tây Ban Nha vốn nổi danh là một đất nước xinh đẹp, với những thảo nguyên xanh tươi, những hàng dương xanh thẳm, có những nàng vũ nữ Di-gan xoay tròn trong điệu nhảy Flamenco đầy đắm say, hoang dại, cũng vừa mạnh mẽ trong sáng. Nơi đây đã sản sinh ra những con người mà họ luôn hướng về tự do, luôn luôn hướng về những điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời và một trong những đại biểu xuất sắc nhất đó chính là người nghệ sĩ Federico García Lorca. Thanh Thảo đã sáng tác Đàn ghi ta của Lor-ca để tưởng nhớ người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy, người luôn trăn trở với di nguyện lãng mạn và kỳ lạ: “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”.

Thanh Thảo sinh năm 1946, tên khai sinh là Hồ Thành Công, quê ông ở Mộ Đức, Quảng Ngãi. Ông là nhà thơ luôn có những suy tư trăn trở về những vấn đề thời đại và xã hội, ông luôn nỗ lực cách tân thơ Việt, đào sâu vào cái tôi nội cảm, xóa bỏ những khuôn mẫu, sáng tạo những hình ảnh thi từ mới mẻ đem đến cho thơ ca hiện đại những mỹ cảm thi ca đặc sắc bằng hình thức thơ siêu thực, tượng trưng. Những tác phẩm tiêu biểu: Dấu chân qua trảng cỏ, Những ngọn sóng ngập trời, Khối vuông ru bíc. Đàn ghi ta của Lor-ca được trích trong tập Khối vuông ru bíc, với hình tượng tiếng đàn đi xuyên suốt cả tác phẩm, góp phần quan trọng tạo nên ý nghĩa của bài thơ.

Trong cả tác phẩm ta đã nhiều lần thấy tiếng đàn ghi ta vang lên một cách bất chợt với nhiều cảm xúc, tiếng đàn ấy lúc thì vui tươi, tự do, lúc lại đau thương đến cùng cực, có thể thấy tiếng đàn mang một giá trị biểu tượng rất to lớn, mà giá trị ấy vốn đã bắt nguồn từ nhan đề và lời đề từ của bài thơ. Nhan đề bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca thể hiện sự gắn bó sâu sắc của Lor-ca với cây đàn, mà đàn ghi ta lại vốn là biểu tượng văn hóa của Tây Ban Nha, đồng thời cũng là biểu tượng cho tư tưởng nghệ thuật của Lor-ca, qua đó có thể thấy được phần nào sự gắn bó của Lor-ca đối với quê hương đất nước, cùng nền văn hóa của tổ quốc mà ông chiến đấu hết mình để bảo vệ, yêu thương. Lời đề từ “Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” đây là tâm nguyện của Lor-ca, thể hiện sự gắn bó của người nghệ sĩ với cây đàn ghi ta, niềm mong mỏi thế hệ sau có thể vượt lên nghệ thuật của mình, hãy quên đi tiếng đàn thơ ca của ông, để sáng tạo và đổi mới, như vậy hành trình cách tân nghệ thuật của đất nước mới có thể thành công, đây là khát vọng của một người nghệ sĩ có tâm hồn cao đẹp. Thanh Thảo đưa tâm nguyện ấy vào làm lời đề từ với tấm lòng thành kính và tri ân sâu sắc của ông đến người nghệ sĩ yêu đàn.

Mở đầu bài thơ là câu “những tiếng đàn bọt nước/li-la li-la li-la”, thể hiện cho sự mong manh, dễ vỡ, cũng có thể hiểu là tiếng ghi ta trong trẻo nhưng rời rạc, ngắt quãng tựa như những bọt nước sục sôi rồi vỡ tan trong dòng chảy. Đây là biểu trưng cho cuộc đời và số phận bi thảm, tài hoa bạc mệnh của người nghệ sĩ Lor-ca, với những khát vọng cao đẹp cách tân cho nghệ thuật cùng sự công bằng cho dân tộc. Những âm thanh vang vọng, lẻ loi “li-la li-la li-la” vừa biểu trưng cho tiếng đàn của người nghệ sĩ, vừa đem vào đó hình ảnh của loài hoa truyền thống Tây Ban Nha đó là loài hoa li-la. Qua hình ảnh tiếng đàn hình ảnh người nghệ sĩ hiện lên với khát vọng vô cùng cao đẹp, nhưng rất đơn độc “trên yên ngựa mỏi mòn”, đây cũng chính là bi kịch của người nghệ sĩ.

“tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy”

Lúc Lor-ca còn sống, còn làm nghệ thuật, còn đấu tranh, tiếng ghi ta của ông mang hình bóng của một người anh hùng lãng tử nhưng cô đơn và có khi mệt mỏi bởi không một ai có thể hiểu và đồng cảm với tâm hồn của ông. Khi ông mất đi, trong sự man rợ của kẻ thù, trong máu đỏ tươi và một tâm hồn của người mộng du, tiếng đàn lại một lần nữa vang lên, thể hiện cái bi kịch thê thảm mà người nghệ sĩ phải hứng chịu. Và ở đoạn thơ trên, Thanh Thảo đã bộc lộ sự tinh tế cuả mình khi đưa vào thơ tiếng ghi ta, biểu trưng cho nghệ thuật của Lor-ca được đúc kết trong tiếng đàn, vật đã đi theo và gắn bó sâu sắc với nhà thơ trong cả tâm nguyện khi ra đi về cõi vĩnh hằng. “tiếng ghi ta nâu” dòng thơ đã thể hiện ý nghĩa trong nghệ thuật của Lor-ca, ẩn chứa biết bao suy tư về nghệ thuật về cuộc đời con người, màu nâu là màu của cây đàn, là màu của đất quê hương, cũng là màu của sự suy tư, trầm lắng. Rồi thì Lor-ca đã mơ tưởng về một “bầu trời cô gái ấy/tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, điều đó thể hiện khao khát của người nghệ sĩ về một vùng trời bình yên mà ở đó cuộc sống luôn tiếp diễn với một màu xanh tươi đẹp, cuộc sống luôn có tiếng ghi ta tự do đầy nghệ thuật. Ngoài ra tiếng ghi ta còn mang thân phận mong manh, ngắn ngủi của người nghệ sĩ “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” với kết thúc là “Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy”, đó là sự tàn khốc của thời đại, khi mà đế chế độc tài đã không lắng nghe tiếng đàn đầy nghệ thuật, tiếng đàn đầy sự đấu tranh, đòi công bằng, mong mỏi cách tân của người nghệ sĩ. Chúng chăm chăm coi đó là sự phản nghịch, tư tưởng độc hại cần phải tiêu diệt bởi nỗi e sợ khi tiếng đàn ghi ta của Lor-ca sẽ nhanh chóng lan rộng và thức tỉnh nhân dân. Đoạn thơ đã thể hiện tình cảm thương xót và nỗi đau vô bờ bến của Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của Lor-ca.

Tiếng đàn ghi ta trong bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca là một hình ảnh biểu trưng có ý nghĩa sâu sắc, đó vừa là phong cách nghệ thuật đầy lãng mạn của nghệ sĩ Lor-ca, gắn bó sâu sắc với quê hương, với dân tộc thông qua tiếng ghi ta truyền thống, cũng vừa là hình ảnh biểu trưng cho thân phận của người nghệ sĩ với đủ những đặc điểm báo trước một số kiếp tài hoa nhưng mệnh bạc, đó là tiếng đàn mong manh, trong sáng nhưng lại dễ dàng tan biến vào hư vô.

———————-

Đàn ghi ta của Lor-ca là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Thanh thảo, bên cạnh bài làm văn Ý nghĩa ẩn dụ của hình tượng tiếng đàn trong bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca, các bạn học sinh và giáo viên có thể tìm hiểu thêm những bài văn mẫu khác như Tìm hiểu bài Đàn Ghi-ta của Lor-ca, Phân tích bài thơ Đàn ghi-ta của Lor-ca, Sáng tạo mới của Thanh Thảo trong Đàn ghi ta của Lor-ca, Phân tích cảm hứng từ cái chết bi thảm của Lor-ca trong bài thơ Đàn Ghi ta của Lor-ca hay cả các phần Soạn bài Đàn ghi ta của Lor-ca.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button