Đề bài: Ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng trong Mảnh trăng cuối rừng
I. Dàn ý Ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng trong Mảnh trăng cuối rừng
1. Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu sơ lược về ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng.
2. Thân bài
a. Phân tích ý nghĩa nghệ thuật của mảnh trăng cuối rừng
– Trước hết, tên gọi “Mảnh trăng cuối rừng” mang nét nghĩa tả thực về ánh trăng xuất hiện mờ ảo chốn núi rừng Trường Sơn “oai linh, hùng vĩ”.
– “Mảnh trăng cuối rừng” gợi lên những khoảnh khắc thiên nhiên với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng.
– Hình tượng “mảnh trăng” còn là chi tiết nghệ thuật đặc sắc ẩn dụ cho vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt.
– Mảnh trăng còn là biểu tượng cho tình yêu mới chớm trong cuộc hẹn lần đầu của Nguyệt và Lãm, đồng thời hứa hẹn một câu chuyện tình tròn đầy, viên mãn của hai nhân vật.
b. Nghệ thuật xây dựng hình tượng mảnh trăng cuối rừng của nhà văn Nguyễn Minh Châu
– Vận dụng thành công bút pháp trữ tình lãng mạn.
– Biện pháp xây dựng hình tượng sóng đôi, ứng chiếu giữa thiên nhiên và con người.
– Kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa,..
3. Kết bài
Khẳng định lại ý nghĩa của hình tượng mảnh trăng.
II. Bài văn mẫu Ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng trong Mảnh trăng cuối rừng
Trong nền văn học Việt Nam, Nguyễn Minh Châu được biết đến với những sáng tác thấm đẫm phong vị trữ tình và chất thơ lãng mạn. Xuyên suốt hành trình cầm bút của mình, ông luôn tâm niệm, khám phá “chất ngọc trong chiều sâu tâm hồn của con người”. Chính điều này đã góp phần tạo nên những hình tượng nghệ thuật độc đáo, vừa mang đậm chất trữ tình lãng mạn, vừa ẩn chứa và truyền tải nội dung ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm. Hình tượng mảnh trăng trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng” chính là minh chứng tiêu biểu cho quan niệm sáng tác ấy.
Đối với tác phẩm văn học, hình tượng nghệ thuật là phương tiện quan trọng để từ đó, các nhà văn, nhà thơ phản ánh hiện thực khách quan bằng lăng kính chủ quan và chứa đựng những quan niệm nhân sinh và chiều sâu về giá trị nội dung tư tưởng. Trong tác phẩm “Mảnh trăng cuối rừng”, “mảnh trăng” chính là hình tượng đặc sắc giàu sức gợi và giá trị biểu đạt. Trước hết, tên gọi “Mảnh trăng cuối rừng” mang nét nghĩa tả thực về ánh trăng xuất hiện mờ ảo, thoắt ẩn thoắt hiện trong lớp mây mờ chốn núi rừng Trường Sơn “oai linh, hùng vĩ”, đồng thời gợi lên những khoảnh khắc thiên nhiên với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng dù trải qua những năm tháng hủy diệt tàn khốc của bom đạn kẻ thù.
Hình tượng “mảnh trăng” còn là chi tiết nghệ thuật đặc sắc ẩn dụ cho vẻ đẹp của nhân vật Nguyệt – cô gái ngời sáng những phẩm chất của thế hệ thanh niên xung phong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Trong tác phẩm, hình ảnh vầng trăng và Nguyệt luôn sóng đôi, song hành, soi chiếu và tô đậm thêm vẻ đẹp của nhau. Tác giả đã đặt tên cho nhân vật chính của truyện là Nguyệt, theo chiết tự chữ Hán, Nguyệt mang ý nghĩa là “trăng”. Xuyên suốt tác phẩm, vẻ đẹp ngoại hình của nhân vật luôn được tác giả soi chiếu trong không gian tràn ngập ánh trăng. Dưới ánh sáng mờ ảo, khuôn mặt cô “tươi mát và ngời lên vẻ đẹp lạ thường”. Tuy nhiên, cô gái với thân hình mảnh mai, gót chân hồng hồng và mái tóc dày được tết thành hai bím tưởng chừng như yếu đuối, mong manh lại vô cùng can trường, dũng cảm trước “mưa bom bão đạn”. Khi gặp máy bay bắn phá, Nguyệt bình tĩnh “bám vào cửa xe”, hướng dẫn Lãm và nhận phần hiểm nguy về mình để bảo vệ anh lái xe quân sư dù họ chỉ mới lần đầu gặp gỡ. Cũng giống như vẻ đẹp của mảnh trăng nơi cuối rừng, dù ánh sáng lung linh, dịu nhẹ nhưng vẫn đủ sức soi sáng khu rừng, Nguyệt là cô gái thanh niên xung phong can đảm, gan dạ trong hiểm nguy, đồng thời chứa đựng những vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế. Bằng lớp ngôn từ thấm đượm phong vị trữ tình, tác giả đã phát hiện và miêu tả thành công những phẩm chất ẩn giấu sâu thẳm – “chất ngọc” trong tâm hồn nhân vật.
Mảnh trăng còn là biểu tượng cho tình yêu mới chớm trong cuộc hẹn lần đầu của Nguyệt và Lãm, đồng thời hứa hẹn một câu chuyện tình tròn đầy, viên mãn của hai nhân vật. Cuộc gặp gỡ tình cờ của anh chàng lái xe và cô công nhân giao thông được tác giả xây dựng trong mối quan hệ mang tính chất đầy bất ngờ khi Nguyệt cũng chính là cô gái mà Lãm đang hẹn gặp. Dù họ không đến được điểm hẹn nhưng qua những câu chuyện xuyên suốt chặng đường, tình yêu và sự rung động từ hai trái tim đã được tạo nên hết sức tự nhiên. Tác giả đã đặt tên tác phẩm là “mảnh trăng”, thay cho cách gọi thông thường là “ánh trăng”, “vầng trăng” để thể hiện ý niệm độc đáo, sâu sắc về một mối tình còn e ấp, tinh khôi như mảnh trăng đầu tháng.
Để xây dựng thành công hình tượng “mảnh trăng”, tác giả đã vận dụng thành công bút pháp trữ tình lãng mạn, kết hợp biện pháp xây dựng hình tượng sóng đôi, ứng chiếu giữa thiên nhiên và con người. Nhà văn Nguyễn Minh Châu miêu tả hình ảnh “trăng” và nhân vật trong sự song hành và soi chiếu xuyên suốt tác phẩm để tô đậm và làm nổi bật vẻ đẹp của nhau. Hình tượng ánh trăng còn được mô tả thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa để làm nổi bật vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết của thiên nhiên dù chịu sự tàn phá tàn khốc của chiến tranh và mưa bom bão đạn.
Như vậy, mảnh trăng chính là hình tượng ẩn dụ độc đáo, chứa đựng nhiều ý niệm về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Chính điều này còn góp phần tạo nên chất thơ lãng mạn và phong vị man mác trữ tình của thiên truyện “Mảnh trăng cuối rừng”.
Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu, bên cạnh bài Ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng mảnh trăng trong Mảnh trăng cuối rừng, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích tác phẩm Đời thừa, Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.