Lớp 7

Văn biểu cảm về loài cây em yêu

Đề bài: Văn biểu cảm về loài cây em yêu.

van bieu cam ve loai cay em yeu

Văn biểu cảm về loài cây em yêu

I. Dàn ý Biểu cảm về loài cây em yêu (Chuẩn)

1. Mở bài 

– Giới thiệu về loài cây mà em yêu thích (là những loài cây thân thuộc ở làng quê Việt Nam như: tre, dừa, chuối, gạo, đa,…)

2. Thân bài

– Biểu cảm về loài cây em yêu
+ Đặc điểm hình dáng, kích thước của cây (ví dụ: em thích những cây tre cao vút thẳng tắp)
+ Đặc điểm cành, lá, hoa, quả (ví dụ: nhìn chiếc lá đa to như những chiếc quạt nan)

…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý bài biểu cảm về loài cây em yêu tại đây.
 

II. Bài văn mẫu biểu cảm về loài cây em yêu (Chuẩn)
 

1. Văn biểu cảm về loài cây em yêu, mẫu số 1 (Chuẩn): 

Khi nhớ về quê hương ta luôn nhớ đến hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam, đó là mái đình, cây đa, giếng nước. Em yêu tất cả những hình ảnh đó và hơn thế, tuổi thơ ấu của em đã gắn liền với cây đa nơi cổng làng. 

Cổng làng em có một cây đa cổ thụ, niên đại của nó đã vài chục năm, cây cao lớn hàng chục mét, thân cây phải 3-4 người vòng tay ôm mới hết. Tán cây rất rộng có thể che kín một mái nhà năm gian, cây đa như một nhân chứng lịch sử đứng hiên ngang sừng sừng chứng kiến sự đổi thay từng ngày của ngôi làng, dưới tán cây đa đã lắng nghe biết bao câu chuyện buồn vui của những thế hệ người dân nơi đây. Đối với em nói riêng và người làng nói chung đã coi cây đa là một biểu tượng của ngôi làng, chẳng ai dám chặt lấy một cành cây hoặc tiện tay bứt một chiếc lá. Em nhớ những buổi trưa hè trốn ngủ trưa để ra gốc đa đùa vui với lũ bạn chăn trâu, chúng em chơi những trò như bắn bi, làm diều. Dưới tán của cây đa, vừa có bóng mát lại có gió thoảng rất dễ chịu, không khí thoáng đãng và mát hơn ở trong nhà. Cứ đến Tết là cây đa lại được trang trí rất đẹp mắt với cờ đỏ sao vàng, dây óng ánh và đèn nhấp nháy, giống như một sự chào đón mọi người trở về quê hương.

Em yêu cây đa và dù có phải xa quê hương đi đến bất cứ nơi đâu em vẫn luôn nhớ về hình ảnh cây đa quê hương. 

 

2. Văn biểu cảm về loài cây em yêu, mẫu số 2 (Chuẩn): 

Cây tre – một loài cây gắn liền với mọi người dân Việt Nam và trở thành loài cây biểu tượng cho sự ngay thẳng, kiên cường của dân tộc ta. Em yêu cây tre bởi nó gắn liền với cuộc sống và có rất nhiều công dụng hữu ích.

Cây tre là cây thân đốt, thường mọc thành bụi với rất nhiều cây, thế hệ tre già măng mọc cứ nối tiếp nhau tạo nên những luỹ tre sừng sững trong những ngôi làng, bờ đê, đường đi. Cây tre xanh, màu xanh đầy sức sống, thân cây thẳng tắp xanh sẫm và lá nhỏ xanh tươi. Tre luôn vươn thẳng lên cao, sống thành bụi giống như người Việt Nam ta sống rất ngay thẳng lại đoàn kết với nhau. Những rặng tre xanh rì rào rít trong gió những tiếng kẽo kẹt khi thân cây cọ vào nhau, luỹ tre xanh là nơi người nông dân ngồi nghỉ khi làm đồng mệt, nơi cọc trâu cọc bò, hay là nơi ngồi bán hàng nước nhỏ. Người dân làng em thường chặt thân tre để đan thúng, rổ, rá, nong, nia, rồi làm cán cuốc, làm giàn trồng rau. Tre rất có ích với cuộc sống người dân thôn quê, còn đối với chúng em, tre làm diều sáo làm cần câu. Em nhớ như in những chiều đi chặt tre làm diều bị gai tre cứa chảy máu nhưng lại rất vui.

Bây giờ khi tre đã không còn nhiều như ngày xưa nhưng em tin rằng cây tre vẫn luôn là người bạn thân thiết không thể nào quên của mọi thế hệ người dân Việt Nam. 
 

3. Văn biểu cảm về loài cây em yêu, mẫu số 3 (Chuẩn): 

Cứ mỗi lần về thăm quê vào dịp nghỉ hè em lại được thưởng thức một thứ quả đặc sản dân dã và quen thuộc của làng quê Việt Nam, đó chính là quả dừa. 

Nhà ông bà ngoại em có hai cây dừa, hai cây dừa ấy đã ngót nghét gần hai mươi tuổi. Hai cây dừa mọc ở hai bên bờ của chiếc ao nhỏ, cây nào cũng cao, dáng cây thon dài nhỏ dần từ gốc đến ngọn và cùng cong mình về phía mặt ao. Cây dừa đã già cỗi nhưng sức sống của nó chẳng thấy già đi chút nào, thân cây xù xì xám xịt và đầy rêu nhưng lá vẫn cứ xanh tươi, tàu lá vươn dài ra hàng mét như những cánh tay rắn rỏi chắc khoẻ. Những buồng dừa vẫn sai trĩu, có buồng mới ra quả non mơn mởn, có buồng quả đã to bằng cả cái xoong. Chọn dừa lấy nước uống phải lựa quả “bánh tẻ” nghĩa là không quá non cũng không quá già, dừa non thì không có cùi mà nước nhạt còn dừa già thì cùi cứng mà nước lại chua. Em thích uống những cốc nước dừa cho thêm đá sẽ rất mát và có vị ngọt thanh, cùi dừa non ăn với bánh đa lại rất thơm và ngậy. 

Em quên sao được những lần trèo cây hái dừa rách quần rách áo xước xát chân tay, nhưng đó mới chính là tuổi thơ, là những kỉ niệm đẹp mà bây giờ khó có thể quay lại được. 
 

4. Văn biểu cảm về loài cây em yêu, mẫu số 4 (Chuẩn): 

Trong quãng đời đi học ai cũng có cho mình những kỉ niệm. Em cũng vậy, mỗi khi nhớ đến những kỉ niệm ấy hình ảnh cây bàng lại hiện lên trong em. Đây chính là người bạn thân thiết chia sẻ vui buồn cũng là loài cây mà em yêu thích nhất.

Vào mỗi mùa cây bàng lại khoác lên mình những vẻ đẹp riêng. Khi xanh mướt, tươi tốt khi lại già cỗi, khẳng khiu. Có lẽ cây bàng đẹp nhất là vào mùa xuân. Khi đó nó khoác lên trên mình bộ áo xanh rực rỡ, tràn đầy sức sống.Từ những chiếc búp nhú mầm chúng nở ra những chiếc lá non xanh mướt. Những tia nắng mùa xuân len lỏi vào các kẽ lá như những cô tiên nhảy múa, đùa giỡn. Nó tạo nên một bức tranh đẹp đẽ, chân thật mà đầy sống động.

Hình ảnh cây bàng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong em có lẽ là vào mùa hè. Những chiếc lá chuyển từ màu xanh non thành xanh đậm. Cây bàng như khoác lên mình chiếc áo khổng lồ. Những chiếc lá xum xuê, xếp chồng lên nhau che mát cho cả một góc sân trường. Em và lũ bạn thích nhất là ngồi dưới bóng râm để đọc sách, chơi nhảy dây,…..đón những đợt gió mát rượi. Vào thu, lá bàng lại chuyển màu. Từ những chiếc lá xanh mơn mởn chúng chuyển thành màu đỏ vàng.Và đặc biệt, lũ học trò chúng em lại được thưởng thức những trái bàng với vị ngọt rất riêng. Cây bàng vào thu có lẽ chính là lúc mà lũ học sinh chúng em vui nhất.

Nhưng khi chuyển đông, cây bàng lại trở nên cằn cỗi, già nua. Thương biết bao nhiêu! Những chiếc lá xanh kia còn đâu,chúng trở nên đỏ sẫm rồi rụng nhanh chạm khẽ trên mặt đất. Đây là thời điểm mà cây bàng chỉ còn lại những nhánh cây khẳng khiu. Chúng như những cánh tay gầy guộc, trơ trọi giữa cái lạnh giá, rét buốt ngày đông. Lúc đấy nhìn nó thật cô đơn, buồn bã biết bao. Cứ ngỡ cây bàng sẽ bị mùa đông tàn phá, nhưng không, chính vào mùa xuân nó lại được hồi sinh,những chồi lá lại nhú lên nó lại khoác lên mình chiếc áo xanh đẹp đẽ.

Chẳng phải tự nhiên mà em lại yêu thích cây bàng. Cây bàng như một người bạn thân thiết trong những năm tháng học sinh của em. Khi có chuyện vui, chuyện buồn em đều chia sẻ với nó. Còn nhớ khi em bị điểm kém, bị mẹ la em lại chạy ra chia sẻ với cây bàng. Không chỉ lắng nghe mà cây bàng như muốn ôm lấy em như muốn cùng chia sẻ, an ủi với nỗi buồn của em. Nó như không phải vô tri vô giác mà có cảm xúc, hiểu chúng ta, cùng chúng ta trưởng thành và lớn lên trong những tháng năm học đường.

Cây bàng chính là người bạn yêu quý mà em không thể nào quên. Nó gắn bó với em thật nhiều. Nó chia sẻ,cùng em tâm sự những vui, buồn, hạnh phúc ……Chính tất cả những điều đấy khiến em càng thêm yêu quý nó. Và có lẽ mãi về sau này em chẳng thể quên được nó dẫu thời gian hay khoảng cách có xa bao nhiêu đi chăng nữa.

——————–HẾT———————–

Ngoài bài văn biểu cảm về loài vật, đồ vật, cây cối,… các em cũng có thể đón đọc thêm một số bài văn Phát biểu cảm nghĩ ngày đầu tiên bước chân vào trường trung học phổ thông; Cảm nghĩ về một người thân yêu nhất của anh (chị): cha, mẹ hoặc bạn,… hay các bài văn biểu cảm về tác phẩm văn học như Cảm nghĩ về một câu chuyện anh (chị) đã học mà đến nay vẫn không thể nào quên (ví dụ: Chuyện người con gái Nam Xương, Chiếc lược ngà, Bố của Xi-mông,…); Phát biểu cảm nghĩ về một bài thơ hoặc tác phẩm văn học mà anh (chị) yêu thích… để bổ sung kiến thức về văn biểu cảm nói chung cho phong phú hơn.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button