Lớp 9

Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

Đề bài: Anh/chị hãy chứng minh: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

vieng lang bac la bai ca an tinh cam dong cua vien phuong

Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

I. Dàn ý Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

1. Mở bài

­- Đã hơn 160 năm ngày Bác mất, nhưng những nỗi đau đớn mất mát vẫn còn hằn trong trái tim của người dân Việt Nam ta.
– Một trong những tác phẩm tiêu biểu nói về nỗi đau này là bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương, mạch cảm xúc xuyên suốt là nỗi day dứt, tiếc thương đồng thời là lòng kính trọng vô vàn của một người con từ miền Nam ra thăm lăng Bác.

2. Thân bài

* Khổ 1:
– Cụm từ xưng hô “Con -Bác” thể hiện tình cảm thân thiết, tác giả đã xem Bác như một Người thân thương, ruột thịt trong nhà, hết lòng kính trọng và thương yêu, mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc.
– Hình ảnh hàng tre xanh có nhiều ý nghĩa:
+ Là hình ảnh tả thực, quang cảnh hàng tre xanh tươi xung quanh lăng Bác
+ Tre là biểu tượng cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, nhắc đến tre để gợi không khí thân thuộc, giản dị của đồng quê đất nước từ ngàn đời, đó là cảm giác yên bình, ấm áp…(Còn tiếp)

>> Xem Dàn ý Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương chi tiết tại đây.
 

II. Bài văn mẫu Chứng minh: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

Đã hơn 160 năm kể từ ngày Bác ra đi, nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn vĩnh viễn nằm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, hàng loạt những tác phẩm viết về Bác, về nỗi đau Người ra đi, trong đó có những tác phẩm đã trở thành bất hủ, dường như là đại diện cho tình cảm tiếc thương của hàng triệu trái tim Việt Nam. Có thể nhắc đến những câu thơ thấm đẫm nước mắt của Tố Hữu trong bài Bác ơi!: “Suốt mấy hôm rày tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa” đó là những câu thơ đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc thật nghẹn ngào khó tả, là nỗi đau đớn sâu sắc, là nước mắt tiếc thương cho vị lãnh tụ vĩ đại trong những ngày Bác vừa ra đi. Song song với Bác ơi! thì tác phẩm Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, ta lại tìm thấy một cảm xúc khác, ấy là nỗi day dứt, tiếc thương của một người con miền Nam, mãi đến sau ngày giải phóng mới có thể đến viếng thăm Bác một lần. Bài thơ thường được nhắc đến như là một bài ca ân tình đầy cảm động của nhà thơ đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nói đến bài ca ân tình, có thể dễ dàng nhận thấy thơ của Viễn Phương rất đỗi êm đềm, nhẹ nhàng, nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc, từng câu từng chữ dẫu đọc thấy rất giản dị, mộc mạc, nhưng đó lại chính là là những cảm xúc chân thực nhất mà tác giả muốn đưa vào thơ của mình. Trong Viếng lăng Bác, Viễn Phương tuy là viết thơ nhưng ta lại cứ ngỡ đang được nghe kể chuyển bởi lời thơ thật dịu dàng êm ái, như thì thầm, như tâm sự.

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.”

Nhà thơ nói về chuyến viếng thăm một cách rất từ từ, sâu trong ấy là nỗi bồi hồi, là niềm vui, cũng là niềm thương với Bác, cách xưng hô thân tình “con – Bác”, là một cách thể hiện tình cảm rất tinh tế, dường như Bác chính là người thân ruột thịt, gần gũi và thân thiết với Viễn Phương vậy. Một chuyến viếng thăm được chờ mong từ lâu thế nên suốt dọc đường đi tác giả luôn cẩn thận quan sát, có thể thấy trái tim cũng như ánh mắt của Viễn Phương chỉ hướng về lăng, nơi Bác đang nằm yên nghỉ. Thế mới có câu thơ thật hay, thật đẹp “Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”, có lẽ rằng nhà thơ đã đáp chuyến bay sớm nhất để có thể được gần Bác, bắt gặp hình ảnh đầu tiên là hàng tre vương mờ sương sớm lại càng khiến con người ta cảm thấy thân thuộc biết bao nhiêu. Hàng tre xanh từ xưa tới nay vốn đã trở thành biểu tượng cho đất nước Việt Nam và cả con người Việt Nam nữa, tre tham gia vào lao động sản xuất, tre dựng nhà, dựng lán, tre cũng lại tham gia vào chiến đấu. Việt Nam vốn là một đất nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời, hình ảnh lũy tre trước làng, trên đê ngày ngày đung đưa theo gió đã trở nên quá đỗi quen thuộc, tre cùng với con trâu đã đi sâu vào tiềm thức của biết bao nhiêu thế hệ con người. Hơn thế nữa, tre còn gắn bó với nhân dân ta không chỉ ở cuộc sống, mà từ lâu nay tre đã luôn mang những đức tính thật đáng quý, tựa như mỗi người con Việt Nam, là linh hồn của cả dân tộc. Tre cũng như người “bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”, có thể nói hiếm có loài cây nào lại kiên cường, ngay thẳng và đoàn kết như tre, dẫu có biết bao thăng trầm, bom đạn, nhưng cũng chẳng thể tận diệt loài cây ấy, chúng vẫn sinh sôi khỏe mạnh, trên cây mẹ hiên ngang, dưới gốc đã trồi lên mấy cái búp măng nhọn hoắt, thẳng tăm tắp. Những đức tính tốt đẹp ấy trong con người Việt Nam đã chẳng còn cần phải bàn cãi, bởi suốt hơn 4000 năm văn hiến, với biết bao thăng trầm lịch sử và gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã quá đủ để chứng minh điều đó. Hình ảnh tre xanh trong khổ thơ đầu, vừa là tả thực quang cảnh tươi đẹp trước lăng, vừa gợi nhắc đến vẻ đẹp của con người Việt Nam, từ đó dẫn chúng ta đến những liên tưởng xa hơn, tình cảm hơn. Bởi tre vừa mang lại không khí thân thuộc, gần gũi, êm đềm nơi lăng Bác và lũy tre xanh thành hàng thành lối cũng như thay mặt cho hàng triệu người dân Việt đang canh giữ cho Bác được giấc ngủ bình yên, ấm áp. Đó là ngụ ý thật hay, thật sâu sắc của Viễn Phương.

Ở khổ thơ thứ 2, gây ấn tượng với người đọc chính là hình ảnh sóng đôi đặc sắc, một hình ảnh ẩn dụ rất đúng, rất hay thể hiện được hết những tình cảm từ sâu trong trái tim của người con từ miền Nam xa xôi.

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…”

Trời trên cao ngày ngày vẫn có một mặt trời luôn tỏa xuống những ánh nắng ấm áp, đó là mặt trời của tự nhiên của tạo hóa, vốn đã là chân lý hàng triệu năm nay. Nhưng trong trái tim của Viễn Phương và cả hàng triệu đồng bào Việt Nam, vẫn còn một mặt trời khác “rất đỏ”, rất cao quý và vĩ đại ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người đã hy sinh cả cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân. Bác là mặt trời chân lý của nhân dân, Bác đã soi sáng và dẫn đường cho một đất nước vốn nhỏ bé, nhưng kiên cường đến đích của độc lập và tự do. Lối so sánh ẩn dụ của Viễn Phương còn nhằm chứng minh tầm vóc vĩ đại của Bác, tầm vóc ấy xứng đáng được sánh ngang và vươn tầm tới bên ngoài vũ trụ rộng lớn. Đó cũng chính là những tình cảm tôn kính và chân thành mà Viễn Phương và hàng triệu con người Việt Nam vẫn luôn mang trong tim, vẫn luôn nghĩ đến khi nhắc về Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Hình ảnh “Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ” kết hợp với hình ảnh “tràng hoa”, mang đến những liên tưởng về nỗi thương tiếc không ngừng của người dân dân Việt Nam dành cho Bác, những tình cảm trân trọng, mến yêu đã kết thành tràng hoa đẹp nhất để kính dâng lên Người với một tấm lòng thành kính nhất. “Bảy mươi chín mùa xuân” của Bác đều dành trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam, chẳng phút giây nào Bác chịu suy nghĩ cho bản thân mình, Người tuy mở lòng với cả một nhân dân, nhưng lại lãng quên đi chính mình. Có chăng chỉ là lúc sắp về với cõi vĩnh hằng Bác lại mới thèm nghe một câu hò ví dặm, một làn dân ca quan họ Bắc Ninh, để được mang theo một chút hồn dân tộc sang thế giới bên kia. Tấm lòng của vị cha già dân tộc khiến người ta không khỏi đau xót khôn nguôi.

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

Khi đã vào được trong lăng, được ngắm nhìn di thể của Bác, nhà thơ đã hết sức tôn kính và khéo léo chọn được một hình ảnh rất đẹp và sáng, cách nói giảm nói tránh “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên”, vừa là lòng kính yêu cũng vừa để giảm bớt nỗi xót xa khi chứng kiến Bác đang yên giấc ngàn thu. Trong khổ thơ này Viễn Phương lần nữa khẳng định tầm vóc của Hồ Chủ tịch, nếu như khổ thơ trên Bác sánh ngang với mặt trời, thì trong khổ thơ này, giấc ngủ của Bác lại cũng được vầng trăng soi sáng. Dẫu biết rằng trong lăng chỉ có ánh điện, nhưng với tấm lòng thương yêu vô hạn của Viễn Phương dành cho Bác thì những ánh điện sáng ấy chẳng khác nào trăng, bởi Bác xứng đáng có được điều ấy. Tác giả viết “Vẫn biết trời xanh là mãi mãi”, một lần nữa Bác lại được so sánh với trời xanh vĩnh hằng, điều ấy cũng nói lên rằng tuy Bác đã ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh Bác, công ơn của Bác cùng với những tư tưởng sáng ngời, sẽ luôn mãi sống trong lòng nhà thơ và hàng triệu người dân Việt Nam. Đó là lời khẳng định bất tử, nhưng dẫu có thế nào, thì nỗi đau Người ra đi vẫn là sự thật chẳng thể thay đổi, những gì Bác để lại chẳng đủ để che lấp đi những nỗi đau thương vào ngày Bác ra đi. Nỗi đau ấy âm ỉ, nghẹn ngào và vĩnh viễn ngự ở một góc trong trái tim từng người dân Việt Nam, tùy thời lại nhói đau và cơn đau ấy chẳng bao giờ có thể khỏi.

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”

Cuộc hội ngộ và chia ly diễn ra quá nhanh, dường như làm Viễn Phương đau đớn và tiếc nuối hơn cả, nước mắt nhà thơ không rơi từng giọt mà “trào” hẳn ra, đó là cảm xúc mãnh liệt và đột ngột vô cùng, có lẽ không còn có thể kìm nén được nữa. Bởi mới đó thôi còn nhìn thấy hàng tre mờ trong sương sớm, mới được gặp Bác có một lần, nay đã phải chia xa, đối với một người con miền Nam đã hết lòng kính trọng và thương yêu Bác thì làm sao có thể đủ, niềm cảm xúc của Viễn Phương là có thể lý giải. Có lẽ vì niềm thương tiếc và nỗi day dứt của một người con ở nơi xa mà Viễn Phương đã có những nỗi niềm lưu luyến không rời, với những mong ước thật giản dị, muốn được làm con chim, được là đóa hoa, được làm cây tre trung hiếu, cốt sao cho được gần bên Bác, cho thỏa nỗi lòng mong nhớ, kính yêu. Tấm lòng của Viễn Phương đối với Bác thật đáng quý và đáng trân trọng biết mấy.

Khép lại bài thơ, dẫu chỉ có 4 khổ thơ ngắn ngủi, nhưng bằng giọng thơ hiền hòa, như thì thầm như tâm sự, Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã đem đến cho độc giả thật nhiều cảm xúc, đúng với cái danh bài ca ân tình cảm động mà nhiều độc giả khen tặng. Bởi dù đã được viết cách đây hơn 40 năm trời, thế nhưng cho đến tận hôm nay, khi đọc lại bài thơ dù là thế hệ nào cũng không khỏi cảm thấy xúc động bởi tính truyền cảm mạnh mẽ, cùng những ân tình mộc mạc mà tác giả dành cho Bác – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta ngàn đời.

—————-HẾT——————

Để có những cảm nhận chi tiết nhất về nội dung cũng như tình cảm của nhà thơ Viễn Phương đối với Bác Hồ trong bài thơ Viếng Lăng Bác, bên cạnh bài văn mẫu Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương trên đây, các em có thể tham khảo thêm: Hình tượng Bác Hồ trong bài thơ Viếng lăng Bác, Suy nghĩ về tình cảm tha thiết, chân thành của nhân dân đối với Bác Hồ qua bài thơ Viếng lăng Bác, Cảm nhận về bài thơ Viếng lăng Bác, Suy nghĩ của em về bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button