Tuổi dậy thì là gì?
Dậy thì là trạng thái thay đổi cơ thể từ một đứa trẻ thành người trưởng thành, bao gồm sự tăng trưởng của xương và cơ bắp, thay đổi hình dạng và kích thước cơ thể, đồng thời phát triển khả năng sinh sản của cơ thể.
Tuổi dậy thì của bé gái ở các nước phát triển là vào khoảng 9 tuổi và bé trai là 12 tuổi. Tuy nhiên ở nước ta, độ tuổi bắt đầu dậy thì trung bình của bé gái là 11 tuổi 10 tháng và bé trai là 13 tuổi 15 tháng.
Tùy theo các yếu tố ảnh hưởng mà trẻ dậy thì ở các độ tuổi khác nhau. Trong đó yếu tố di truyền và các yếu tố ngoại sinh như hoạt động thể lực, điều kiện dinh dưỡng, yếu tố xã hội đóng vai trò chủ yếu.
Những dấu hiệu cho thấy sự dậy thì
Trẻ phát triển về hình thể:
- Ở bé gái: Tuyến vú phát triển thay đổi sắc vú, quầng vú. Khoảng 6 tháng sau, trẻ bắt đầu xuất hiện lông mu. Môi lớn, môi bé âm đạo phát triển, niêm mạc âm đạo có màu hồng, tiết dịch. Lông mu có hình tam giác đỉnh quay xuống dưới, lông nách xuất hiện muộn hơn (1 – 1.5 năm sau).
- Ở bé trai: Tăng thể tích tinh hoàn >4 cm3, chiều dài tinh hoàn >2.5cm, da bìu thâm đen, xuất hiện lông mu. Phát triển kích thước dương vật, xuất hiện lông nách. Xuất hiện lông ngực, râu, bài tiết mồ hôi nách với mùi đặc trưng, giọng trầm. Dấu hiệu dậy thì hoàn toàn là xuất tinh.
Trẻ tăng trưởng về:
- Chiều cao: Tăng trưởng nhanh, bé gái có đỉnh tăng trưởng sớm nhưng cũng kết thúc sớm.
- Cân nặng: Đỉnh cân nặng ở bé trai là 4.9kg/năm từ 13 – 14 tuổi, bé gái là 2.34kg/năm từ 11 – 12 tuổi.
- Cơ xương: Phát triển mạnh xương chi, trẻ trai phát triển vai, trẻ gái phát triển mạnh khung chậu. Cơ trẻ trai phát triển mạnh hơn, còn trẻ gái phát triển khối mỡ.
Ngoài ra còn có biến đổi nội tiết trong giai đoạn dậy thì.
Nguyên nhân dẫn đến dậy thì
Dậy thì là kết quả tiếp theo của những bước trưởng thành.
Hệ thống vùng dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục biệt hoá và hoạt động trong suốt quãng thời gian sống của thai và trẻ nhỏ. Sau đó nó bị kìm hãm, giảm thấp hoạt động trong suốt tuổi trẻ em do sự phối hợp của hai sự kiện: tăng nhạy của gonadostat đối với hồi tác âm estrogen và ức chế nội sinh hệ thống thần kinh trung ương. Tất cả những phần nằm dưới Gn-RH (dưới hệ thần kinh trung ương) đều có khả năng đáp ứng ở mọi lứa tuổi.
Sự chế tiết Gn-RH lại được xúc tiến trở lại khi đến tuổi dậy thì (hoạt động trở lại của trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng) và dẫn hoạt động của tuyến sinh dục được bắt đầu.
Nếu sự chèn ép hoạt động nội sinh hệ thống thần kinh trung ương kéo dài hoặc có sự bất lực đáp ứng của bất cứ thành phần nào ở dưới thì sẽ dẫn đến điều trị muộn hay không dậy thì.
Chế độ dinh dưỡng khi ở lứa tuổi dậy thì
Vào giai đoạn dậy thì trẻ phát triển rất nhanh và vượt bậc, các bậc phụ huynh nên hỗ trợ để giúp đỡ cho trẻ được phát triển toàn diện cả về hình thể lẫn thể chất.
- Chất đạm: Rất cần cho quá trình phát triển vượt bậc của cơ thể trong giai đoạn dậy thì.
- Nên cung cấp khẩu phần protein cho trẻ dao động trong khoảng 15%-20% / tổng nhu cầu. Tương đương với 0.95g protein/kg/ngày ở trẻ 9 – 13 tuổi và khoảng 0.85g protein/kg/ngày cho trẻ 14-18 tuổi.
- Chất béo: Đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho trẻ. Nên chọn những thực phẩm giàu axit béo chưa no (có trong dầu thực vật, cá…) cho trẻ.
- Chất bột đường: Là nguồn chính giúp cung cấp năng lượng, chiếm khoảng 50% -55% khẩu phần.
- Chất khoáng: Nhu cầu canxi, sắt, kẽm rất cao trong giai đoạn dậy thì. Một chế độ ăn đa dạng sẽ cung cấp đủ khoáng chất cho trẻ.
- Canxi: Ở giai đoạn này, trẻ cần đến 1200mg/ngày để giúp duy trì cấu trúc xương. Do đó, cần cung cấp cho trẻ một chế độ ăn giàu canxi. Nên duy trì chế độ sữa mỗi ngày (2-3 ly/ngày) và xen kẽ những sản phẩm từ sữa như yaourt, phomai.
- Sắt: Cần cho quá trình phát triển khối cơ, cấu trúc tế bào máu và chức năng hô hấp.
- Kẽm: Giúp phát triển thể chất, tăng cường hoạt động chức năng sinh dục…
- Vitamin: Cần cung cấp cho trẻ đủ khẩu phần rau củ và trái cây.
Cần cung cấp cho trẻ 1 khẩu phần ăn đủ chất, cân đối, có lợi cho sức khỏe, cũng như đảm bảo năng lượng đủ cho trẻ phát triển thể chất và hoạt động. Không để trẻ ăn quá thừa hoặc quá thiếu.
Để đề phòng nguy cơ béo phì trong giai đoạn này, phụ huynh cần lưu ý:
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm ngọt, giàu chất béo (đặc biệt là chất béo không tốt cho sức khỏe như mỡ, bơ, mayonnaise…).
- Hạn chế thức ăn nhanh.
- Không sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.
- Khi trẻ vừa xem ti-vi, chơi game và vừa ăn có thể làm phân tán sự chú ý, dẫn đến trẻ nạp quá nhiều năng lượng và thừa cân, béo phì.
Tuổi dậy thì của nữ
Độ tuổi dậy thì của nữ bắt đầu từ khi nào là câu hỏi được nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến hiện nay? Tuổi mới lớn hay tuổi dậy thì là quá trình phát triển và thay đổi về tâm lý, sinh lý ở một trẻ em trai và gái để trở thành người lớn. Giai đoạn dậy thì ở trẻ em nam và trẻ em gái sẽ có sự khác nhau về biểu hiện.
Khi dậy thì, xương và cơ của trẻ sẽ bắt đầu tăng trưởng, dẫn đến những thay đổi về hình dạng, thể chất và kích thước của cơ thể. Đồng thời, thể hiện hệ thống sinh sản nữ đã phát triển và hoàn thiện. Khá khó khăn để đưa ra đáp án chính xác cho vấn đề “Tuổi dậy thì của nữ là bao nhiêu”, thông thường, các trẻ em gái có độ tuổi dậy thì dao động từ 9 – 14 tuổi. Tuy nhiên, có rất nhiều bé gái hiện nay dậy thì sớm (trước 8 tuổi) do bị ảnh hưởng từ chế độ ăn uống, môi trường,…
Biểu hiện của nữ giới khi dậy thì
Ngoài việc cần nắm rõ độ tuổi dậy thì của nữ là khi nào, thì các bạn gái cũng nên biết thêm các biểu hiệu về cơ thể khi dậy thì như:
Thay đổi vóc dáng
Các bé gái sẽ trở nên phổng phao hơn khi bước vào tuổi mới lớn, lớp mỡ dưới da phát triển dày lên khiến cơ thể nữ tính và trông mềm mại hơn. Bên cạnh đó, những đường nét trên cơ thể cũng thể hiện rõ ràng hơn.
Xương chậu mở rộng
Khung xương ở vùng chậu của trẻ em gái trong độ tuổi dậy thì cũng có kích thước lớn hơn, rộng và tròn hơn. Điều này biểu hiện cho việc nữ giới đã chuẩn bị sẵn sàng để mang thai và sinh đẻ.
Phát triển núi đôi
Nữ giới có biểu hiện núi đồi dần nhú cao lên, bầu ngực ngày càng to ra và đầy đặn, quầng vú sẫm màu và to hơn. Bên cạnh đó, các bé gái cũng nhận thấy bầu ngực so với lúc trước nhạy cảm hơn và đôi lúc có dấu hiệu đau tức.
Phát triển tuyến bã nhờn
Biểu hiện này rõ ràng bằng việc trên cơ thể các bé gái xuất hiện nhiều mụn, nhất là vùng mặt và lưng,…
Xuất hiện lông và mọc dày
Một đặc trưng dễ nhận biết trong độ tuổi dậy thì nữ là lông dần mọc ở vùng mu, nách,… Thường khá thưa thớt và nhạt mùa khi lông mới xuất hiện tại các vùng này, sau đó sẽ trở nên đậm màu và rậm rạp hơn.
Cơ quan sinh dục phát triển
Các bộ phận sinh dục nữ như: âm đạo, môi bé, môi lớn,… đều có kích thước lớn hơn và phát triển một cách rõ rệt. Bên cạnh đó, âm đạo của trẻ em gái cũng dần rộng hơn.
Có kinh nguyệt
Đây là biểu hiện điển hình cho thấy một người phụ nữ đã sẵn sàng cho quá trình thụ thai và sinh con, vì các cơ quan và hệ thống sinh sản đã hoàn thiện.
Khi nào kinh nguyệt xuất hiện?
Kinh nguyệt thường bắt đầu ở độ tuổi dậy thì của nữ từ 12 – 14, tuy nhiên trong một vài trường hợp nó có thể xuất hiện sớm hoặc trễ hơn. Chu kỳ hành kinh ở nữ thường kéo dài trung bình từ 2 – 7 ngày. Tuy nhiên, chu kỳ kinh của bạn trong giai đoạn đầu, có thể không đều. Đôi lúc, trong 1 tháng có kinh 2 lần hoặc có tháng kỳ kinh không đến.
Trẻ em gái sẽ mất từ 2 – 3 năm để cơ thể có được chu kỳ hành kinh đều đặn sau lần có kinh đầu tiên. Cần lưu ý rằng, kinh nguyệt không xuất hiện sau một thời gian dài có thể là biểu hiện của việc mang thai nếu bạn đã quan hệ tình dục trước đó.
Cách dùng băng vệ sinh trong kỳ kinh
Tốt nhất là các bé gái nên chuẩn bị chu đáo trước khi kỳ kinh nguyệt xảy đến. Có thể chuẩn bị sẵn ở nhà băng vệ sinh và mang chúng theo đến trường học để tránh tình trạng có kinh đến bất ngờ.
Cách dùng BVS trong kỳ kinh khá đơn giản:
-
BVS được dùng để dán vào mặt trong quần lót. Chúng sẽ có công dụng hấp thụ máu kinh chảy ra từ âm đạo.
-
Các bạn nữ cần thay mới BVS ít nhất từ 4 – 8 giờ một lần. Vào ngày đầu tiên của chu kỳ, bạn nên thường xuyên thay chúng hơn vì lượng máu kinh sẽ chảy ra nhiều hơn.
Cảm giác khó chịu khi đến chu kỳ kinh
Một số bạn gái có thể bị chuột rút, đau lưng và đau vùng bụng dưới khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Những người khác có thể bị chóng mặt, đau đầu hoặc tiêu chảy. Bạn hãy áp dụng những cách sau để giảm khó chịu:
-
Uống paracetamol hoặc uống thuốc ibuprofen (trừ khi bị hen suyễn nặng hoặc bị dị ứng với aspirin). Tuy nhiên, các bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thuốc để đảm bảo an toàn.
-
Tập thể thao.
-
Đắp khăn ấm lên lưng hoặc bụng dưới.
Bên cạnh đó, các trẻ em gái cần nói với cha mẹ hoặc đi khám bác sĩ nếu xuất hiện các vấn đề sau đây với kỳ kinh:
-
Chưa có kinh dù đã 15 tuổi.
-
Chu kỳ kinh ngưng hoạt động dù trước đó xuất hiện đều đặn mỗi tháng.
-
Kinh nguyệt đến muộn hoặc sớm hơn so với bình thường.
-
Khoảng cách giữa 2 kỳ kinh nhiều hơn 90 ngày.
-
Kinh nguyệt kéo dài nhiều hơn 7 ngày.
-
Âm đạo chảy nhiều máu kinh đến nỗi phải thường xuyên thay bằng vệ sinh, 1 – 2 giờ phải thay một lần.
-
Không hoạt động như bình thường được do bị chuột rút nặng.
Độ tuổi dậy thì của nữ xuất hiện mụn trứng cá
Sự xuất hiện của các mụn trứng cá là do các tuyến trên da hoạt động quá mức. Các tuyến này tạo ra bã nhờn – một loại dầu tự nhiên. Khi bước vào độ tuổi dậy thì, lỗ chân lông trên da của bé gái có thể bị tắc nghẽn do các tuyến này tạo ra quá nhiều bã nhờn, từ đó gây ra mụn.
Thường xuyên dùng sữa rửa mặt dịu nhẹ hoặc nước để rửa mặt nhằm loại bỏ hiệu quả bã nhờn. Việc làm này sẽ giúp tình trạng mụn trứng cá và mụn bọc được cải thiện. Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng hoặc làm khô da và không nên chà sát mạnh trên da. Bạn có thể dùng thuốc điều trị nếu quá lo lắng khi mụn nổi trên mặt.
Khi bé gái bước vào tuổi dậy thì là thời điểm khá nhạy cảm, do đó các mẹ nên theo dõi các biểu hiện về thể chất và bên ngoài của bé. Từ đó, đánh giá tình trạng bé dậy thì có thành công không, có muộn không và có bất thường không.
-
Trẻ nhỏ rất dễ mắc phải hội chứng khủng hoảng tuổi vị thành niên. Nếu không được sự điều chỉnh và quan tâm của cha mẹ, trẻ dễ dẫn đến trầm cảm, rối loạn cảm xúc, hành vi, ăn uống. Thậm chí dùng rượu bia, hút thuốc lá hoặc chất kích thích để giải quyết tâm sinh lý bất ổn.
-
Nguy cơ mắc bệnh có thể diễn ra ở trẻ nhỏ chứ không chỉ người lớn. Do đó, phụ huynh nên đưa bé đi khám sức khỏe hàng năm để sớm phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời.
Tuổi dậy thì ở nam
Thời kỳ dậy thì ở nam thường thì bắt đầu trong lứa tuổi thiếu niên (10 đến 19 tuổi), khi bắt đầu sẽ có những biểu hiện đặc tính sinh dục thứ yếu. Tuy nhiên thời điểm chính xác của tuổi dậy thì ở nam là có sự thay đổi tùy thuộc và tình trạng dinh dưỡng, môi trường văn hóa – xã hội, tác động của vấn đề tình cảm trai gái,…
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tuổi bắt đầu dậy thì trung bình ở bé trai là 13 năm 2 tháng cộng trừ 1 năm và tuổi dậy thì hoàn toàn ở bé trai là 15 năm 2 tháng cộng trừ 1 năm 3 tháng.
Sự thay đổi thể chất trong tuổi dậy thì ở nam
Trong tuổi dậy thì, bé trai có tốc độ phát triển rất cao và nhu cầu năng lượng mỗi ngày cũng dao động từ 80 đến 150 Kcalo/Kg/Ngày. Dưới ảnh hưởng của các nội tiết tố đều tăng hoạt động ở thời kỳ này, đặc biệt là các hormone sinh dục, cơ thể bé trai sẽ hoàn thiện sự phát triển về lượng và chất:
- Lớp mỡ dưới da, các bắp thịt, khối lượng máu, các nội tạng sẽ phát triển mạnh
- Trẻ có dáng hình biến đổi: vai rộng, ngực nở
- Chiều cao tăng 7-8 cm trong những năm đầu dậy thì
- Cơ quan sinh dục trong và ngoài phát triển hoàn thiện (dương vật và hòn dái to ra, thâm đen, phủ đầy lông, tinh dịch xuất hiện, sau đó có tinh trùng)
- Kích thước tim và dung tích sống tăng gấp đôi
- Huyết áp, thể tích máu lưu thông tốt hơn
Đánh giá sự phát triển thể chất của tuổi dậy thì ở nam
- Độ 1: chưa có dấu hiệu dậy thì
- Độ 2: bắt đầu tăng thể tích tinh hoàn, dương vật và có lông nách lông mu
- Độ 3: bể giọng, khàn tiếng
- Độ 4: các khối cơ phát triển
- Độ 5: bắt đầu có dấu hiệu xuất tinh
Sự thay đổi tâm sinh lý trong tuổi dậy thì ở nam
Có nhiều xáo trộn do sự phát triển của các tuyến nội tiết tố, đặc biệt là tuyến sinh dục nam (tuyến yên, tuyến thượng thận, tinh hoàn). Trẻ có thể bị trạng thái lo âu, sợ hãi về các biến đổi hình dáng, cơ quan sinh dục và để đối phó thì trẻ nhịn ăn, giảm bớt giờ ngủ và cạo râu.
Trẻ trai có nhu cầu rất lớn về sự chia sẻ, cần người để tâm sự, được giải thích và hướng dẫn, có thể tự đi tìm tình thương, tình bạn và tình yêu. Trong lúc này thì vai trò hướng dẫn của gia đình, trường học và xã hội sẽ rất quan trọng để trẻ đi đúng hướng.
Nam nhi rất muốn tỏ ra cho mọi người thấy mình là người lớn, rất muốn tạo ra uy tín, thể hiện năng lực bản lĩnh và tính độc lập của bản thân. Vì vậy, điều đáng lo ngại là trẻ dễ nghiện ngập, hút thuốc, uống rượu bia, ăn mặc khác người, hành động táo bạo, phiêu lưu,…
Trẻ còn rất tò mò, muốn biết mọi điều, muốn làm thử mọi chuyện của người lớn như giải quyết sinh lý với con gái (thử giao hợp), tìm thú lạ trong chất kích thích, tham gia các băng nhóm tội phạm,…
Đặc điểm bệnh lý trong tuổi dậy thì ở nam
Đây là lứa tuổi có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong thấp nhất trong các thời kỳ phát triển của nam giới, do đó cả xã hội và y tế nhiều khi lơ là, ít quan tâm. Đồng thời cũng là lứa tuổi không thích đi khám bệnh và cũng không thích vào bệnh viện. Nhưng lại là lứa tuổi có nguy cơ cao đối với một số vấn đề xã hội như:
- Bệnh thường gặp tuổi dậy thì như mụn trứng cá
- Làm con gái bị thai hoang
- Nghĩ quẩn
- Nghiện chất kích thích
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Các nguyên nhân gây tử vong chính trong tuổi dậy thì ở nam
- Tai nạn giao thông
- Tự tử
- Một số bệnh ác tính như ung thư máu, ung thư hạch,…
Phòng ngừa nguy cơ trong tuổi dậy thì ở nam
- Cần tăng cường giáo dục và giải thích cho trẻ về khái niệm sức khỏe vị thành niên
- Các bậc cha mẹ nên tìm hiểu về các đặc điểm tâm sinh lý của tuổi dậy thì để có cái nhìn phù hợp cho con trai của mình
- Tạo không khí tin tưởng và an tâm trong gia đình, cha mẹ thật sự là người bạn tâm sự cho con trai để hướng dẫn và giải quyết thất bại, nghịch cảnh cho các trẻ
- Giáo dục giới tính, các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả
********************