Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 19 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập Hai phần soạn bài Nhân vật giao tiếp chi tiết nhất.
Đề bài: Đọc đoạn trích sau và phân tích theo các câu hỏi nêu bên dưới:
Thoáng nhìn qua, đã hiểu cơ sự rồi. Làm lý trưởng rồi chánh tổng, bây giờ lại đến lượt con cụ làm lý trưởng, những việc như thế này cụ không lạ gì. Cụ hãy quát mấy bà vợ đang xưng xỉa chực tâng công với chồng:
– Các bà đi vào nhà: đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì?
Rồi quay lại bọn người làng, cụ dịu giọng hơn một chút:
– Cả các ông, các bà nữa, về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?
Không ai nói gì, người ta dần dần tản đi. Vì nể cụ bá cũng có, nhưng vì nghĩ đến sự yên ổn của mình cũng có: người nhà quê vốn ghét lôi thôi. Ai dại gì đứng ỳ ra đấy, có làm sao họ triệu mình đi làm chứng. Sau còn trơ lại Chí Phèo và cha con cụ bá. Bây giờ cụ mới lại gần hắn, khẽ lay và gọi:
– Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế ?
Chí Phèo lim dim mắt, rên lên:
– Tao chỉ liều chết với bố con nhà mầy đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm: người ta bảo cụ hơn người cũng chỉ bởi cái cười.
– Cái anh này nói mới hay! Ai làm gì mà anh phải chết? Đời người chứ có phải con ngoé đâu? Lại say rồi phải không?
Rồi đổi giọng, cụ thân mật hỏi:
– Về bao giờ thế? Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.
Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn:
– Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì ta nói chuyện tử tế với nhau, cần gì mà phải làm thanh động lên như thế, người ngoài biết, mang tiếng cả.
Rồi vừa xốc Chí Phèo, cụ vừa phàn nàn:
– Khổ quá! Giá có tôi ở nhà thì đâu đến nỗi. Ta nói chuyện với nhau, thế nào cũng xong. Người lớn cả, chỉ một câu chuyện với nhau là đủ. Chỉ tại thằng lý Cường nóng tính không biết nghĩ trước nghĩ sau. Ai, chứ anh với nó còn có họ kia đấy.
Chí Phèo chẳng biết họ hàng ra làm sao, nhưng cũng thấy lòng nguôi nguôi. Hắn cố làm ra vẻ nặng nề, ngồi lên. Cụ bá biết rằng mình đã thắng, đưa mắt nháy con một cái, cụ quát:
– Lý Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người ta đun nước, mau lên!
(Nam Cao, Chí Phèo)
Câu hỏi:
a) Trong đoạn trích trên có những nhân vật giao tiếp nào ? Trường hợp nào bá Kiến nói với một người nghe, trường hợp nào nói với nhiều người nghe ?
b) Vị thế của bá Kiến so với từng người nghe như thế nào ? Điều đó chi phối cách nói và lời nói của bá Kiến ra sao ?
c) Đối với Chí Phèo, bá Kiến đã thực hiện một chiến lược giao tiếp như thế nào ? Hãy phân tích cụ thể chiến lược đó theo các bước sau đây:
(1) Bá Kiến tìm cách đuổi hết mọi người về, chỉ đối thoại với riêng Chí Phèo. (Đuổi như thế nào và đuổi để làm gì ?)
(2) Bá Kiến “hạ nhiệt” cơn tức giận của Chí Phèo bằng cả hành động và lời nói. (Chú ý cách nói, từ xưng hô, nội dung lời nói.)
(3) Bá Kiến nâng vị thế của Chí Phèo lên ngang hàng với mình (chú ý từ xưng hô, cách nói trống, cách dùng ngôi gộp) và nhận Chí Phèo là có họ hàng.
(4) Bá Kiến kết tội lí Cường và yêu cầu lí Cường phải tiếp đón Chí Phèo. (Kết tội như thế nào ? Mục đích của việc làm này là gì ?)
d) Với chiến lược giao tiếp như trên, bá Kiến có đạt được mục đích và hiệu quả giao tiếp không ? Những người nghe trong cuộc hội thoại với bá Kiến có phản ứng như thế nào khi nghe những lời nói của bá Kiến ?
Trả lời bài 2 trang 19 SGK văn 12 tập 2
Cách trả lời 1:
a)
– Trong đoạn trích đã cho, có các nhân vật giao tiếp: bá Kiến, Chí Phèo.
– Những trường hợp bá Kiến nói với một người nghe:
+ Lượt lời 3 đến lượt lời 8, bá Kiến nói với một người nghe (Chí Phèo).
– Những trường hợp bá Kiến nói với nhiều người nghe:
+ Lượt lời 1 và 2, bá Kiến nói với nhiều người nghe (các bà vợ của hắn, dân làng).
+ Lượt lời thứ 9, hắn nói với hai người nghe (Chí Phèo và Lí Cường).
b) Vị thế xã hội của bá Kiến với từng người nghe:
– Với mấy bà vợ – bá Kiến là chồng (chủ gia đình) nên quát.
– Với dân làng: hắn là một người có uy hơn, là “cụ bá” nhưng trong đám ấy, độ tuổi không đều, có người nhỏ tuổi, cũng có người già cả. Bởi vậy, hắn nói “dịu giọng hơn một chút” nhưng thực chất là đuổi: “Về đi thôi chứ! Có gì mà xúm lại như thế này?
– Với Chí Phèo – bá Kiến vừa là ông chủ cũ, vừa là kẻ đẩy Chí Phèo vào tù, kẻ mà lúc này Chí Phèo đến “ăn vạ”. Bá Kiến vừa thăm dò, vừa dỗ dành, vừa đề cao, coi trọng.
– Với Lí Cường – Bá kiến là cha, cụ quát con nhưng thực chất để xoa dịu Chí Phèo.
c) Đối với Chí Phèo, bá Kiến đã thực hiện hành vi giao tiếp như sau:
– Bá Kiến tìm cách đuổi hết mọi người về, để đối thoại riêng với Chí Phèo.
– Dùng lới nói ngon ngọt, nhỏ nhẹ để hỏi han Chí Phèo.
– Nâng vị thế Chí Phèo lên ngang hàng với mình, tỏ ý coi trọng Chí, coi Chí như bạn bè.
– Bá Kiến kết tội lí Cường và yêu cầu lí Cường phải tiếp đón Chí Phèo, khiến Chí tưởng bá Kiến vì trọng mình mà mắng con cái, thậm chí bắt con tiếp đón mình.
d) Với chiến lược giao tiếp như vậy, bá Kiến đã đạt được mục đích giao tiếp, hiệu quả giao tiếp rất tốt. Những người nghe trong cuộc hội thoại với bá Kiến đều răm rắp nghe theo lời bá Kiến. Đến một kẻ hung hãn như Chí Phèo mà cuối cùng cũng bị khuất phục.
Cách trả lời 2:
a) Trong đoạn trích trên có những nhân vật giao tiếp là: bá Kiến, mấy bà vợ bá Kiến, bọn người làng, Chí Phèo, Lí Cường.
Bá Kiến nói với một người nghe là: Chí Phèo, lí Cường nói với nhiều người nghe là: mấy bà vợ, dân làng.
b) Vị thế của bá Kiến so với mấy bà vợ và lí Cường là người chồng, người cha nên cách tỏ rõ uy quyền của người bề trên và dùng câu mệnh lệnh.
Vị thế của bá Kiến so với dân làng trong đó có Chí Phèo là người có quyền thế nên cách nói có vẻ nhã nhặn nhưng vẫn tỏ vẻ quyền uy.
c) Sau khi ở tù về, Chí Phèo đến nhà bá Kiến với ý định trả thù. Bá Kiến đi vắng nên xảy ra xô xát với lí Cường, vừa lúc đó thì bá Kiến về. Nhìn qua một lượt, bá Kiến hiểu rõ cơ sự liền tung ta chiến lược đẹp yên sự vụ có thể gieo tai họa lên gia đình hắn. Trong những lời thoại trên bá Kiến sắp xếp lần lượt các lời thoại để tấn công hạ gục Chí Phèo.
– Bá Kiến tìm cách đuổi hết mọi người vừa để tránh to chuyện vừa cô lập Chí Phèo. Chí Phèo cảm thấy đơn độc, nhuệ khí tan dần theo hơi rượu.
– Bá Kiến đã vuốt giận Chí Phèo bằng lời lẽ ngọt ngào và cách xưng hô tâng bốc: Anh Chí ơi! rồi thân mật: cái anh này, tiếp đến là cách xưng hô như người trong nhà với ngôi thứ nhất số nhiều: ta (để phân biệt với người ngoài). Bên cạnh cách xưng hô là những lời nói nhẹ nhàng, khích lệ, động viên và hành động như người quen thân lâu ngày mới gặp.
– Để Chí Phèo không xem là đối địch, bá Kiến đã nhận Chí Phèo là người nhà, là họ hàng. Cách nâng vị thế giao tiếp làm cho Chí Phèo hãnh diện vì được ngang hàng với gia đình danh giá nhất làng, chắng mấy chốc hắn quên mất ý định ban đầu.
– Đòn cuối cùng bá Kiến mắng lí Cường với giọng đắc thắng là để tôn Chí Phèo và Bá Kiến đã được mục đích dập tắt ngọn lửa căm thù trong lòng Chí Phèo, bóp chết ý định trả thù của Chí trong trứng nước.
d) Với chiến lược giao tiếp như trên, bá Kiến đã đạt được mục đích biến thù thành bạn. Những người nghe trong cuộc hội thoại với bá Kiến đều nhất mực phục tùng. Chí Phèo có phản ứng một lời nhưng chỉ là lời vớt vát thể diện: Tao chỉ liều chết với bố con nhà mày đấy thôi. Nhưng tao mà chết thì có thằng sạt nghiệp, mà còn rũ tù chưa biết chừng.
Xem trước bài soạn: Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi
Trên đây là một số cách trả lời câu hỏi bài 2 trang 19 SGK ngữ văn 12 tập 2 do Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế tổng hợp và biên soạn, hi vọng sẽ giúp em hiểu và soạn bài Nhân vật giao tiếp tốt hơn trước khi đến lớp.
Chúc các em học tốt !
Trả lời câu hỏi bài 2 trang 19 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2 phần hướng dẫn soạn bài Nhân vật giao tiếp ngữ văn 12.