Các ngành dễ thất nghiệp trong tương lai là ngành nào? Đây là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều bạn học sinh trước ngưỡng cửa đại học.
Trong bài viết dưới đây Hoàng Thùy Chi About sẽ giới thiệu đến các bạn 11 ngành nghề có tỉ lệ thất nghiệp cao dựa trên các thống kê và nhu cầu thực tiễn của xã hội. Hy vọng thông qua bài viết này các em sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích về nghề nghiệp, giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp trước khi viết vào hồ sơ đại học nhé.
1. Ngành Sư Phạm
Đứng đầu trong danh sách ngành học có nguy cơ thất nghiệp cao nhất hiện nay phải kể đến khối ngành Sư phạm – một ngành học đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) báo động đỏ về tình trạng thừa nhân lực trong vài năm trở lại đây. Minh chứng là thực trạng hơn 35.000 giáo viên phổ thông dư thừa trên cả nước và còn khoảng 10.000 sinh viên sư phạm sắp ra trường có nguy cơ thất nghiệp (số liệu trích xuất từ thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT).
Đến năm 2021, con số cử nhân sư phạm thất nghiệp sẽ lên tới 70.000 người và được phân bổ ở tất cả các bậc học, trong đó, bậc tiểu học thừa khoảng 41.000 người, THCS thừa 12.200 người và ở cấp THPT là khoảng 16.900 người.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, những con số khổng lồ này khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm việc dự báo tình hình giảm số lượng học sinh ở các bậc học do tác động của việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, hệ thống các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm được mở chưa hợp lý, chỉ tiêu đào tạo chưa được kiềm chế kịp thời và chính sách hỗ trợ học phí hấp dẫn.
Quá nhiều thí sinh thi vào ngành sư phạm, quá nhiều cử nhân tốt nghiệp xin được công tác tại các trường, dẫn đến tình trạng quá tải và việc rất nhiều sinh viên thất nghiệp là một hệ lụy tất yếu.
2. Ngành kế toán – kiểm toán
Ngành Kế toán – Kiểm toán từng là một ngành nghề rất hot, được nhiều bạn trẻ theo đuổi. Tuy nhiên, hiện nay ngành này đang dư thừa lao động và tình trạng này sẽ tiếp diễn trong một vài năm tới.
Dù tỉ lệ nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này vẫn đang ở mức khá cao, chiếm 30% trong cơ cấu tuyển dụng nhưng hàng nghìn sinh viên ra trường vẫn phải thất nghiệp. Nguyên nhân là do mấy năm trước các trường mở ngành này một cách ồ ạt vì vậy số lượng cung vượt xa so với nhu cầu về lao động. Tỷ lệ chọi của một ứng viên khi tìm việc trong lĩnh vực này ở TP HCM là 1/90.
3. Ngành tiếp thị qua điện thoại
Ngành tiếp thị qua điện thoại hiện vẫn đang có nhu cầu cao về số lượng nhân lực nhưng độ hot của ngành này sẽ giảm trong vài năm tới khi những ứng dụng tuyệt vời của trí tuệ nhân tạo được ứng dụng. Vì vậy, ngành tiếp thị qua điện thoại sẽ trở thành một trong những ngành có nguy cơ thất nghiệp cao nhất trong tương lai gần.
4. Ngành Tài chính – Ngân hàng
Theo bản tin thị trường lao động quý II/2016 được công bố bởi Viện Khoa học Lao động và Xã hội, số lượng tân cử nhân ngành Tài chính – Ngân hàng không có việc làm đúng chuyên ngành vẫn đang tiếp tục gia tăng. Cũng theo thống kê của Viện, trong năm 2015, có đến 12.000 tân cử nhân thất nghiệp trong tổng số khoảng 29.000 sinh viên tốt nghiệp ngành này. Ở thời điểm tháng 7-2017, tài chính trở thành nhóm ngành có nhiều người tìm việc nhất cả nước (21,9%), tiếp đến là Quản trị nhân sự (11,1%), Kế toán (10,5%)…
Bất chấp thực trạng trên, ngành Tài chính – Ngân hàng vẫn được tuyển sinh ở nhiều trường với số chỉ tiêu lớn, vượt trội so với các ngành đào tạo còn lại. Trong mùa tuyển sinh 2016, 2017, đây vẫn tiếp tục là ngành mũi nhọn với chỉ tiêu tuyển sinh không hề giảm của top trường kinh tế.
Dự báo trong thời gian tới, vấn đề tìm việc làm của sinh viên nhóm ngành này sẽ khá khó khăn và nguy cơ thất nghiệp vẫn là rất cao.
5. Ngành quản trị kinh doanh
Quản trị kinh doanh thực sự là một ngành “hot” gần đây. Đặc biệt trong thời kì đất nước ta đang ngày càng hội nhập vươn ra cùng thế giới, sự hội nhập kinh tế chắc chắn đem lại nhiều cơ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực kinh tế kinh doanh, nhưng cũng đem lại nhiều khó khăn, lúng túng cho các công ty, doanh nghiệp, thì nhu cầu nhân sự về quản trị kinh doanh lại càng trở nên đắt giá và càng có “đất phát triển” cho sinh viên học quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, khi mà quản trị kinh doanh trở nên hot thì số lượng sinh viên theo học ngành này tỉ lệ thuận với độ “hot” của nó. Điều này đặt ra một câu hỏi: “Liệu quản trị kinh doanh “hot” nhưng học quản trị kinh doanh có thất nghiệp hay không?
Theo kết quả thống kê 3 năm gần đây của Bộ giáo dục và đào tạo, quản trị kinh doanh là ngành chiếm thứ hạng cao nhất về số lượng hồ sơ đăng ký của thí sinh: trên 10% hồ sơ đang kí mỗi năm. Hiện nay tại TP.HCM có hơn 40 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành QTKD, nghĩa là số cử nhân QTKD ra trường mỗi năm là trên 10.000 người vì nhiều trường lớn có chỉ tiêu tuyển sinh mỗi năm hơn 1.000 sinh viên. Trong số này, số lượng sinh viên thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề sau khi ra trường chắc chắn là con số không hề nhỏ. Trái lại, số lượng doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên yêu cầu tốt nghiệp ngành này luôn đứng đầu bảng tuyển dụng của các website việc làm. Rõ ràng rằng, điều các doanh nghiệp cần là chất lượng chứ không phải số lượng cử nhân đã qua đào tạo, do đó số lượng sinh viên bị doanh nghiệp từ chối sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tìm hướng đi phù hợp cho bản thân. Và chắc chắn rồi ngành quản trị kinh doanh đang thừa người và khi ra trường nguy cơ thất nghiệp rất cao.
6. Ngành lịch sử
Lịch sử chuyên nghiên cứu, bàn luận về những vấn đề trong quá khứ, để từ những kiến thức của quá khứ có thể rút ra những quy luật, những bài học kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai. Nhà sử học là người nghiên cứu về những vấn đề của quá khứ để từ đó hiểu biết, tạo dựng những sự kiện đã qua, rồi phân tích, đánh giá và chia sẻ những kiến thức mà mình tích luỹ được cho cộng đồng xã hội.
Nghiên cứu lịch sử là một việc làm đầy khó khăn, thách thức. Thế nhưng đối với một nước đang phát triển và chưa đầu tư nhiều cho việc nghiên cứu lịch sử thì việc chạy đôn chạy đáo xin việc vẫn không được là điều khá phổ biến. Đặc biệt, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, không ít cử nhân thạc sĩ cũng buộc phải làm các công việc khác để mưu sinh bởi vì không có việc làm, thất nghiệp quá nhiều.
7. Ngành tâm lý học
Ngành cử nhân tâm lý học với điểm đầu vào thấp, cộng thêm việc chưa rõ sau này ra trường sẽ làm những việc gì đã khiến nhiều sinh viên tâm lý hoang mang, tự ti khi bị đem ra so sánh với sinh viên các ngành học khác. Không ít người đã xin ngừng học, ôn thi tiếp để chuyển ngành, chuyển trường. Một số coi việc học là cách để kiếm được tấm bằng, còn phần lớn thời gian là để đầu tư cho “sở trường” của mình như: sale, marketing, viết báo,…
Đến khi tốt nghiệp ra trường, tân cử nhân rất chật vật để có được công việc phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Vì việc tìm đến các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, giải quyết các vấn đề trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, hành vi,… là điều khá xa lạ với nhiều người Việt Nam. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong thời buổi kinh tế khó khăn này, nhiều cử nhân tâm lý học phải cất tấm bằng đại học và kiếm việc khác để mưu sinh.
8. Ngành sân khấu điện ảnh
Mỗi năm, hai trường Sân khấu Điện ảnh lớn nhất cả nước cùng hàng loạt trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật cho ra lò hàng trăm cử nhân. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng có may mắn trở thành diễn viên, xuất hiện trên các bộ phim truyền hình.
Theo đó, để tồn tại trong nghề, chỉ có đam mê thôi là chưa đủ. Các bạn cần có lợi thế về ngoại hình, khả năng diễn xuất, duyên sân khấu và cả một chút may mắn nữa. Và tất nhiên, số sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Sân khấu Điện ảnh có thể đáp ứng tất cả yêu cầu này là không nhiều. Điều đó đồng nghĩa với việc các bạn, hoặc thất nghiệp, hoặc chấp nhận gác lại đam mê để lựa chọn cho mình một hướng đi khác.
9. Ngành công nghệ môi trường
Công nghệ môi trường là một chuyên ngành có sự kết hợp đồng bộ cả hai yếu tố nghiên cứu và kỹ thuật. Học chuyên ngành này, bạn cần phải nắm vững các kiến thức chuyên môn bao gồm: công nghệ xử lý nước thải, xử lý khí thải, xử lý chất thải rắn thông qua các biện pháp sinh, lý, hoá học.
Nếu chuyên về công nghệ xử lý nước thải, thường có lựa chọn làm việc ở: công ty cấp nước, nhà máy xử lý nước, công trình xử lý nước thải cho các nhà máy và khu công nghiệp,… Nếu là công nghệ xử lý khí thải thì công việc thiên về: đo đạc chất lượng không khí, đánh giá tác động của môi trường và xử lý không khí ô nhiễm,… còn nếu hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thì bạn sẽ làm việc với: các công trình quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhà máy hay các khu đô thị,… Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công tác bảo vệ môi trường còn yếu kém cũng như chưa được sự quan tâm, quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý chuyên ngành nên doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng rất ít. Vì thế, không ít người tốt nghiệp ngành công nghệ môi trường phải chấp nhận cảnh thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề đào tạo.
10. Ngành kỹ sư xây dựng
Cả nước ta có khá nhiều ngành đào tạo ra kĩ sư xây dựng. Vậy nên, con số sinh viên ra trường không hề nhỏ hàng nghìn sinh viên ra trường. Với quá nhiều sinh viên ra trường, các công ty với yêu cầu rất cao là có kinh nghiệm. Các sinh viên mới ra trường không thể đáp ứng được nhu cầu cần kinh nghiệm như các công ty yêu cầu.
11. Ngành biên tập xuất bản
Ngành biên tập xuất bản là ngành dành cho những ai có niềm đam mê với sách, với ngôn ngữ và cảm thụ tác phẩm. Không những thế, ngành còn đòi hỏi bạn phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ và nhiều kĩ năng. Biên tập, xuất bản không phải là ngành quá nổi bật, song theo nhiều nghiên cứu thì hiện nay số cử nhân xuất bản đang vượt quá nhu cầu tuyển dụng.Thực tế thì những bạn trẻ theo học và đi làm về chuyên ngành biên tập xuất bản bạn phải có niềm đam mê cháy bỏng, va chạm cuộc sống kèm với đó là những kĩ năng mềm đa dạng. Người biên tập cần trau dồi chuyên môn, hiểu biết, và kiên trì vì sản phẩm làm ra cần phải trải qua rất nhiều khâu, đồng thời bạn cũng cần phải có khả năng giao tiếp, đàm phán và nhanh nhạy. Do vậy, rất nhiều bạn trẻ ra trường phải làm trái ngành hoặc chưa thật sự đáp ứng được với thực tế.