Thứ mà bạn tương tác nhiều nhất trên một chiếc smartphone, máy tính bảng, laptop hay bất cứ hệ thống máy tính nào dù là nhỏ gọn hay cồng kềnh chắc chắn là màn hình. Do đó, các yếu tố như giao diện, độ phân giải, tỉ lệ khung hình, không gian hiển thị sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định trải nghiệm người dùng.
Bạn chắc hẳn đã từng bắt gặp thuật ngữ “tỷ lệ khung hình” hay “tỷ lệ hiển thị” khi mua TV hoặc các sản phẩm công nghệ có màn hình. Trên thực tế, thuật ngữ này cũng được sử dụng cực kỳ rộng rãi trong thế giới video, nhiếp ảnh. Và vè cốt lõi, tỷ lệ khung hình là một khái niệm toán học khá đơn giản.
Tỷ lệ khung hình trong Video và Nhiếp ảnh
Theo định nghĩa, tỷ lệ khung hình là chỉ số thể hiện sự tương quan giữa chiều dài và chiều rộng của một khung hình dạng bốn cạnh hình chữ nhật như màn hình TV hoặc một bức ảnh. Giống như bất kỳ tỷ lệ toán học nào, tỷ lệ khung hình của hình chữ nhật không đề cập đến kích thước vật lý của nó, mà là sự tương quan giữa chiều rộng và chiều dài.
Chẳng hạn, một hình vuông hoàn hảo sẽ có tỷ lệ khung hình là 1:1 vì chiều rộng của hình vuông phải bằng chiều dài của nó. Tỷ lệ khung hình có thể được biểu thị dưới dạng số nguyên (như 3:2) hoặc số thập phân (như 1,5:1).
Thông qua tỷ lệ khung hình, bạn có thể tính ra chiều cao của một đối tượng bằng chiều rộng của nó (và ngược lại). Có lẽ tỷ lệ khung hình được sử dụng phổ biến nhất là 16:9, trong đó số đầu tiên liên quan đến chiều rộng (16) và số thứ hai liên quan đến chiều cao (9).
Trong sản xuất phim, tỷ lệ khung hình đề cập đến hình dạng của khung hình. Hai trong số các tỷ lệ khung hình phổ biến nhất mà bạn sẽ thấy trong rạp chiếu phim là 1,85:1 (màn hình rộng) và 2,39:1. Đây là lý do tại sao bạn sẽ thấy các thanh màu đen ở trên cùng và dưới cùng của khung hình khi xem hầu hết các bộ phim.
Hiện tại, TV đã chuyển sang chế độ 16:9 cho hầu hết các nội dung phát sóng, mặc dù màn hình có thể tồn tại ở tất cả các dạng tỷ lệ khung hình. Chẳng hạn, màn hình siêu rộng được nhiều game thủ ưa chuộng có thể có tỷ lệ khung hình 2,37: 1 (thường được bán trên thị trường là “21: 9”).
Tính toán tỷ lệ Khung hình
Nếu bạn muốn tính toán sự phù hợp của một nội dung hiển thị nào đó với một khung hình cụ thể — ví dụ: hình nền trên điện thoại thông minh — công cụ Andrew Hedges này có thể giúp ích.
Sử dụng công cụ này, bạn có thể tính toán chiều cao hoặc chiều rộng dựa trên tỷ lệ khung hình hoặc thậm chí làm ngược lại để tính ra tỷ lệ của một khung hình chữ nhật dựa trên kích thước vật lý.
Ví dụ: để tính toán chiều cao dựa trên chiều rộng và tỷ lệ khung hình, hãy nhập tỷ lệ khung hình của bạn vào ô W1 và H1, sau đó thêm chiều rộng vật lý vào ô W2. Máy tính sẽ hiển thị chiều cao tương đối trong trường H2.
Về cơ bản, bạn có thể tìm ra tỷ lệ của bất kỳ hình chữ nhật nhất định nào chỉ bằng cách nhập các kích thước vật lý vào ô W1 và H1.
Khi nói đến nội dung như hình ảnh và video, việc sai lệch tỷ lệ khung hình khi thay đổi kích thước sẽ dẫn việc đến hình ảnh. video bị kéo căng hoặc bị nén ép mất tự nhiên. Để có kết quả hiển thị tốt nhất, hãy luôn duy trì tỷ lệ khung hình phù hợp cho từng nội dung hiển thị cụ thể.