Lớp 10

Từ ý thơ trong Truyện Kiều: Thiện căn ở tại lòng ta… bàn về quan hệ giữa tâm và tài

Đề bài: Từ ý thơ trong Truyện Kiều: Thiện căn ở tại lòng ta… bàn về quan hệ giữa tâm và tài

tu y tho trong truyen kieu thien can o tai long ta ban ve quan he giua tam va tai

 

I. Dàn ý Từ ý thơ trong Truyện Kiều: Thiện căn ở tại lòng ta… bàn về quan hệ giữa tâm và tài

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề: Từ hai câu thơ của Nguyễn Du và tâm và tài, trong xã hội ngày nay, liệu cái tâm còn được trọng dụng?

2. Thân bài

– Khái quát đề:

+ Giải thích hai câu thơ của Nguyễn Du, đặt câu thơ trong hoàn cảnh sáng tác và trải nghiệm cá nhân của tác giả để nêu rõ ý nghĩa.

+ Tâm có sáng, lòng có ngay thẳng thì hành động mới lương thiện. Có tài nhưng tâm đen tối thì chỉ mang cái tài ấy ra hại người, mưu mô

– Giải thích:

+ Tài: ở đây là tài năng, năng lực, hiểu biết trí tuệ

+ Tâm: là đức, là lương tâm con người.

→ Cái “tâm” ở đây là để chỉ sự tử tế giữa con người với con người, làm việc xuất phát từ lòng lương thiện. Người có tâm là người biết xa lánh cái ác, cái xấu, không vì lợi ích cá nhân mà làm việc qua loa, cẩu thả, không vì tiền tài mà sẵn sàng hại người trục lợi

– Thực trạng:

+ Trong thời đại ngày nay, chữ tâm dường như đang bị coi thường. Xét trên điều kiện thực tế, khi con người sống ngày càng độc lập, tự chủ, đặt lợi ích cá nhân lên đầu, cái tâm không còn là thước đo đánh giá chuẩn mực đạo đức

+ Người tài có nhiều, nhưng tài nếu muốn phát huy tác dụng thì phải đi kèm với tâm sáng lương thiện. Tài năng giúp ta hoàn thành công việc với chất lượng tốt, tiết kiệm thời gian.

– Mối quan hệ giữa tâm và tài: song hành tồn tại và bổ trợ cho nhau. Cốt lõi của một con người phải nằm ở cái đức, cái tâm, người vừa có đức vừa có tài được coi là con người hoàn hảo

– Bài học:

+ Cần rèn luyện cả đức và tài. Còn ngồi trên ghế nhà trường thì luyện tài bằng cách học tập tốt, phấn đầu tôi rèn những lĩnh vực mình yêu thích, đồng thời yêu thầy mến bạn, xa lánh thói hư tật xấu như nói dối, đua đòi,…

+ Khi trưởng thành cần tiếp tục học thêm những kĩ năng mềm, mở rộng vốn kiến thức đa chiều, không quên giữ một cái tâm sáng, một nhân cách đẹp.

3. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề

 

II. Bài văn mẫu Từ ý thơ trong Truyện Kiều: Thiện căn ở tại lòng ta… bàn về quan hệ giữa tâm và tài

Chẳng phải đợi đến thời đại ngày nay người ta mới trọng dụng hiền tài để xây dựng và kiến thiết đất nước. Thời cha ông ta đã quan niệm, “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, tuy vậy, cái “tài” luôn phải đi liền với cái “tâm”, cái đức. Trong đoạn kết của tác phẩm Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết

Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài

Câu thơ thể hiện sự đề cao đối với chữ “Tâm”, coi trọng sự lương thiện, tử tế hơn là chỉ có tài năng đơn thuần. Đó là quan niệm của hai trăm năm trước, dưới góc nhìn của một nhà nhân đạo với tâm hồn nhạy cảm và nỗi đồng cảm với những số phận bất hạnh. Vậy trong thời đại ngày nay, mối quan hệ giữa “Tài” và “Tâm” liệu có còn được đặt lên bàn cân so sánh?

“Tài” ở đây là tài năng, năng lực, hiểu biết trí tuệ. “Tâm” là đức, là lương tâm con người. Cái “tâm” ở đây là để chỉ sự tử tế giữa con người với con người, làm việc xuất phát từ lòng lương thiện. Người có tâm là người biết xa lánh cái ác, cái xấu, không vì lợi ích cá nhân mà làm việc qua loa, cẩu thả, không vì tiền tài mà sẵn sàng hại người trục lợi.

Nguyễn Du viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Trải qua một cuộc đời sóng gió, khổ sở, đối với ông, lương tâm con người là cốt cách, là gốc rễ vấn đề. Đúc rút sau từng ấy năm bươn chải, với Nguyễn Du mà nói, làm gì cũng phải bắt đầu từ cái tâm. Tâm có sáng, lòng có ngay thẳng thì hành động mới lương thiện. Có tài nhưng tâm đen tối thì chỉ mang cái tài ấy ra hại người, mưu mô. Những vị cao nhân, những bậc hiền tài trong lịch sử dân tộc đều được miêu tả với tâm hồn trong sáng, sống thanh cao, ung dung tự tại, không màng danh lợi. “Thiện căn ở tại lòng ta”, ta không có quyền được lựa chọn cha mẹ, lựa chọn nơi sinh ra, nhưng tốt hay xấu, thiện hay ác, đều là do cá nhân tự lựa chọn, tự định hướng. Như vậy, bản chất con người là do chính con người quyết định.

Trong thời đại ngày nay, chữ tâm dường như ngày càng bị xem nhẹ. Xét trên điều kiện thực tế, khi con người sống ngày càng độc lập, tự chủ, đặt lợi ích cá nhân lên đầu, cái tâm không còn là thước đo đánh giá chuẩn mực đạo đức. Ngày xưa có Hải Thượng Lãn Ông sống với quan điểm, “lương y như từ mẫu”, nhưng ngày nay, có được bao nhiêu y tá, bác sĩ khám chữa bệnh cho người dân bằng cái tâm, hay chỉ là trục lợi, bòn rút tiền bạc, lấy lý do rằng bác sĩ hay y tá cũng đều có mối lo cơm áo gạo tiền. “Người với người sống để thương nhau”, cái tâm thể hiện ở sự quan tâm, đồng cảm, chia sẻ giữa con người với con người. Trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, cũng có không ít những bài học cha ông truyền lại cho con cháu về chữ tâm như “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “bầu ơi thương lấy bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tuy vậy, sức mạnh của đồng tiền khiến con người ngày càng xa lánh nhau, sẵn sàng lừa đảo, buôn gian bán dối, cốt để vun lợi vào mình mà quên đi cái tâm trong đạo làm người.

Bàn về chữ Tài, có người cho rằng, chỉ cần bản thân giỏi giang, xuất chúng thì làm gì cũng thành công. Tài năng giúp ta hoàn thành công việc với chất lượng tốt, tiết kiệm thời gian. Người có tài lại càng biết tận dụng năng lực của mình để cải thiện năng suất công việc. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ, bởi có tài mà không có đức, không có tâm thì chỉ mang lại mối nguy cho xã hội. Một doanh nhân tài giỏi nhưng giảo hoạt, ranh ma, lúc nào cũng nghĩ cho lợi ích cá nhân, liệu có còn ai muốn hợp tác phát triển? Một giáo viên tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, thành tích sáng chói nhưng giảng dạy không có tâm, không vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục, liệu khi ấy, chữ Tài có còn giá trị hay không?

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, “Có Tài mà không có Đức, là người vô dụng/ Có Đức mà không có Tài, thì làm việc gì cũng khó.”. Cốt lõi của một con người phải nằm ở cái đức, cái tâm, người vừa có đức vừa có tài được coi là con người hoàn hảo. Họ cống hiến tài năng của mình để xây dựng Tổ quốc, giúp đỡ và truyền đạt lại kiến thức để tạo ra một thế hệ trí tuệ, đồng thời được giáo dục nhân cách tốt đẹp. Có tài và có tâm thì ắt sẽ có “tầm”, tầm ở đây là tầm cao, được mọi người kính trọng, yêu thương. Không nhất thiết bạn phải là người thông minh kiệt xuất, cũng không thể đòi hỏi có người trong xã hội ngày nay chỉ sống vì người khác, luôn đặt cái tâm của mình lương thiện trong mọi hoàn cảnh. Biết dung hòa hai yếu tố đó, biết cương nhu đúng lúc, không vụ lợi, toan tính, đó là thành công của ta trên con đường hoàn thiện cá nhân.

Là một công dân toàn cầu, sống trong thế hệ hướng tới công nghệ, hiện đại, bản thân chúng ta cần rèn luyện cả đức và tài. Còn ngồi trên ghế nhà trường thì luyện tài bằng cách học tập tốt, phấn đấu tôi rèn những lĩnh vực mình yêu thích, đồng thời yêu thầy mến bạn, xa lánh thói hư tật xấu như nói dối, đua đòi,… Khi trưởng thành, cần tiếp tục học thêm những kĩ năng mềm, mở rộng vốn kiến thức đa chiều, không quên giữ một cái tâm sáng, một nhân cách đẹp. Mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi ngày bớt cáu giận, bớt sân si, đặt mình vào hoàn cảnh của đối phương để hiểu được tâm trạng của họ, yêu thương gia đình, bạn bè và người thân. Có như vậy, tâm và tài mới song hành cùng nhau.

Từ ý thơ của cổ nhân xưa, chúng ta có thể đúc rút ra kinh nghiệm cho thế hệ nói chung và bản thân nói riêng. Có thể ngày nay, chữ tâm kia không còn bằng ba chữ tài, nhưng không thể sống nếu thiếu tâm, thiếu đi tấm lòng và cảm xúc con người. Hãy học cách cân bằng để luôn là một người có ích trong xã hội, được yêu mến và yêu mến mọi người. Có như vậy, chúng ta mới bắt kịp được xu thế của tương lai.

Tìm hiểu chi tiết về mối quan hệ mật thiết giữa tâm và tài, bên cạnh bài Từ ý thơ trong Truyện Kiều: Thiện căn ở tại lòng ta… bàn về quan hệ giữa tâm và tài, các em có thể tham khảo thêm: Suy nghĩ của em về mối quan hệ giữa tài và đức, Nghị luận về tiền tài và hạnh phúc,Giải thích câu nói: Có tài mà không có đức là người vô dụng…,Nghị luận xã hội về đức tính khiêm tốn.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button