Lớp 10

Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy

Đề bài: Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy

tuong tuong va ke lai cau chuyen mi chau trong thuy

Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy

I. Dàn ý Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về An Dương Vương và đất nước Âu Lạc

2. Thân bài

* Quá trình xây thành của An Dương Vương:
– Thành xây nhiều lần không xong, xây đến đâu lở đến đó
– Lập đàn trai giới cầu bách thần giúp đỡ
– Được sứ Thanh Giang là Rùa Vàng giúp đỡ, thành xây xong trong nửa tháng, cao lớn hình xoắn ốc.
– Rùa Vàng tặng vuốt làm nỏ thần để chống giặc.

* Quá trình làm nỏ thần và đánh quân xâm lược
– Vua sai Cao Lỗ làm nỏ, lấy vuốt rùa làm lẫy – gọi là Linh quang Kim Quy thần cơ.
– Quân Triệu Đà xâm lược, vua lấy nỏ thần bắc khiến quân Triệu Đà xin thua

* Bi kịch mất nước, tình cha con, vợ chồng tan vỡ:
– Vua gả con gái Mị Châu cho con trai Triệu Đà là Trọng Thủy (con trai của kẻ thù)
– Trọng Thủy lừa dối Mị Châu, lấy trộm lẫy nỏ thần
– Triệu Đà lấy được nỏ thần đem quân xâm lược, An Dương Vương bị mất nỏ thần phải bỏ chạy.
– An Dương Vương giết Mị Châu vì nối giáo cho giặc, được Rùa Vàng rẽ nước đi xuống Long cung.

3. Kết bài:

Tấm lòng trong sạch của Mị Châu và tình yêu sâu đậm của Trọng Thủy

II. Bài văn mẫu Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy

1. Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy, mẫu 1 (Chuẩn)

Xưa kia trị vì nước Âu Lạc là An Dương Vương – Thục Phán, vua có ý xây thành bảo vệ đất nước nhưng thành xây nhiều lần vẫn không xong, xây đến đâu lở đến đấy. Sau khi lập đàn trai giới cầu thần cuối cùng đã được sứ Thanh Giang là Rùa Vàng giúp đỡ xây thành.

Nhờ có sự giúp đỡ của Rùa Vàng, vua Thục Phán xây thành nhanh chóng, nửa tháng đã có thành rộng hơn ngàn trường, xoắn hình trôn ốc gọi là Loa Thành. Rùa Vàng trước khi về còn tặng cho vua chiếc vuốt của mình, nhắn rằng lấy vuốt này làm lẫy nỏ bắn về phía giặc sẽ không còn lo gì nữa. Vua An Dương Vương làm theo lời Rùa Vàng làm ra chiếc nỏ thần, khi quân Triệu Đà sang xâm lược, vua liền lấy nỏ thần ra bắn, quân của Triệu Đà thua lớn phải xin hòa.

Chẳng bao lâu sau, An Dương Vương đắc ý, chủ quan lại đi gả con gái của mình là Mị Châu cho Trọng Thủy – con trai của Triệu Đà. Trọng Thủy lừa Mị Châu, lấy trộm lẫy nỏ thần đem về cho Triệu Đà, có nỏ thần trong tay quân Triệu Đà lại kéo sang xâm lược. Khổ nỗi thay, An Dương Vương nghe tin xâm lược vẫn đinh ninh có nỏ thần nên không lo lắng cũng không chuẩn bị. Đến khi biết nỏ thần đã bị Triệu Đà lấy mất liền mang theo Mị Châu bỏ chạy. Mị Châu thì vẫn tin lời Trọng Thủy, đi đến đâu rải lông ngỗng làm dấu để Trọng Thủy tìm thấy mình. Cuối cùng đến bên bờ biển, không chạy được nữa An Dương Vương liền cầu xin Rùa Vàng giúp đỡ, nghe Rùa Vàng nói con gái nối giáo cho giặc liền rút gươm chém ngay tại chỗ. Khi Trọng Thủy đến nơi chỉ còn xác Mị Châu, An Dương Vương được rùa rẽ nước đi xuống Long Cung.

Vì bản chất tấm lòng của Mị Châu trong sạch, không có ý mưu cha hại quốc nên máu và xương thịt của nàng khi chết đều hóa thành viên ngọc sáng. Trọng Thủy tuy làm theo lời cha nhưng vẫn luôn yêu Mị Châu sâu đậm, cuối cùng cũng đâm đầu xuống giếng chết theo.

2. Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy, mẫu 2 (Chuẩn)

An Dương Vương là vua nước Âu Lạc là một vị minh quân, thương dân, lo cho an nguy đất nước nên mới xây thành. Thế nhưng thành xây đến đâu lại lở đến đó, vua đành phải trai giới thanh sạch cầu thần trăm phương giúp đỡ.

Lời cầu khẩn của vua An Dương Vương đã được thần nghe thấy, Rùa Vàng chính là sứ Thanh Giang đến giúp vua xây thành, chỉ trong vòng nửa tháng thành đã xây xong, thành cao kiên cố xoắn hình trôn ốc thách thức mọi quân xâm lược. Không chỉ giúp vua xây thành, sứ Thanh Giang còn tặng một chiếc vuốt của mình cho vua, vuốt rùa này làm thành lẫy nỏ, đem nỏ thần đó bắn về phía quân giặc, giặc sẽ phải chạy rút lui. An Dương Vương nghe lời Rùa Vàng, làm ra một chiếc nỏ thần. Đến khi quân Triệu Đà kéo sang xâm lược, vua liền đem nỏ thần ra bắn, quả thực quân Triệu Đà thua thảm bại phải xin hòa.

Thời gian sau, Đà ngấm ngầm tính mưu, bảo con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn con gái An Dương Vương là Mị Châu, vua vô tình đã gả con gái cho kẻ thù. Trọng Thủy giả vờ xin Mị Châu cho xem nỏ thần rồi lấy đi chiếc lẫy nỏ Rùa Vàng, sau đó lại nói dối về thăm cha rồi đem cho Triệu Đà. Biết An Dương Vương không còn nỏ thần, Triệu Đà kéo quân xâm lược, lúc này An Dương Vương bị động, bỏ thành mà chạy, vua cùng Mị Châu chạy đến bên bờ biển không còn đường lui bèn gọi xin Rùa Vàng giúp đỡ. Ai ngờ Rùa Vàng lại nói Mị Châu chính là giặc, vua bèn rút gươm chém Mị Châu. Mị Châu dù chết nhưng một lòng trung hiếu chỉ tiếc bị Trọng Thủy lừa dối nên đã biến thành châu ngọc. Lúc Trọng Thủy đuổi theo dấu lông ngỗng do Mị Châu rải khắp đường đi đến nơi chỉ còn xác Mị Châu, vua An Dương Vương đã được Rùa Vàng đưa xuống biển.

Về sau Trọng Thủy cũng vì thương tiếc Mị Châu mà đâm xuống giếng chết theo. Nhân dân nếu mò được ngọc ở biển về rửa lại nơi giếng này sẽ thấy ngọc càng thêm sáng, thể hiện cho tình yêu chân thành sâu sắc của Mị Châu – Trọng Thủy.
 

3. Tưởng tượng và kể lại câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy, mẫu 3 (Chuẩn)

Vua An Dương Vương – Thục Phán đã có công dựng nước Âu Lạc, xây nên thành trì kiên cố, bảo vệ nhân dân, đánh đuổi giặc ngoại xâm nhưng chính con gái của vua là Mị Châu lại khiến cho nước mất nhà tan.

Sau khi dời đô từ vùng núi về Phong Châu (nay là Đông Anh – Hà Nội) vua khởi công xây thành nhưng hễ xây là thành lại lở, về sau phải giữ gìn trai giới thanh sạch, cầu thần giúp đỡ mới xây được thành. Sứ Thanh Giang là một con Rùa Vàng, đây chính là vị thần đã giúp vua Thục Phán xây thành. Thành rộng hơn ngàn trường, xoắn hình trôn ốc vì thế nên được gọi là Loa Thành hay Thành Cổ Loa.

Rùa vàng ở lại ba năm, trước khi từ biệt còn tặng cho vua Thục Phán một chiếc vuốt, vua nghe lời rùa đem chiếc vuốt làm lẫy nỏ, có trong tay chiếc nỏ thần vua An Dương Vương có thể trị vì đất nước trong yên bình không lo giặc ngoại xâm. Điển hình như việc Triệu Đà kéo quân sang xâm lược đã bị An Dương Vương lấy nỏ thần bắn cho chạy rút lui phải xin hòa. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao qua mấy năm khi Triệu Đà sang cầu hôn thì An Dương Vương lại đồng ý gả con gái Mị Châu cho con trai hắn là Trọng Thủy. Sự chủ quan, vô tình này của An Dương Vương đã phải trả giá rất đắt. Trọng Thủy lợi dụng tình cảm vợ chồng với Mị Châu, lừa xem nỏ thần rồi lấy cắp lẫy nỏ thần đem về cho Triệu Đà.

Có lẫy nỏ thần, Triệu Đà liền xâm lược nước ta lần hai, lúc này An Dương Vương không còn nỏ thần chỉ biết tháo chạy. Mị Châu tuy ngồi ngựa chạy giặc cùng cha nhưng vẫn tin Trọng Thủy sẽ đến cứu mình nên vừa đi vừa rải lông ngỗng làm dấu. Ai ngờ khi vua An Dương Vương hết đường lui cầu cứu Rùa Vàng lại bị Rùa Vàng nói Mị Châu là giặc nên đã thẳng tay chém con gái mình sau đó theo rùa đi xuống biển.

Trọng Thủy đi đến nơi thì Mị Châu đã chết, lòng trung hiếu của nàng đã khiến máu chảy xuống nước biến thành hạt châu. Xác được Trọng Thủy đem về an táng thì biến thành ngọc thạch. Cái chết của Mị Châu khiến trọng thủy thương tiếc, chàng hay tưởng thấy bóng dáng của nàng rồi lao đầu xuống giếng mà chết hóa thành giếng ngọc. Ngày nay vẫn còn quần thể di tích giếng Ngọc, am thờ Mị Châu và đền thờ An Dương Vương ở làng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội.

——————HẾT————————

Với đề bài kể lại truyện bằng lời văn của mình, các em sẽ có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo của mình, giúp cho câu chuyện trở nên mới lạ và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên vẫn phải chú ý giữ gìn nội dung và tinh thần của truyện gốc. Các em có thể tham khảo thêm các bài sau: Tưởng tượng và kể lại cuộc gặp gỡ trò chuyện với Vũ Nương, Tưởng tượng về cảnh cô bé bán diêm gặp lại bà trên thiên đường, Tưởng tượng cuộc gặp gỡ giữa em và Thánh Gióng, Tưởng tượng và kể lại cuộc gặp gỡ với nhân vật Thạch Sanh.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button