Đề bài: Vẻ đẹp của người lao động qua các bài ca dao và yêu thương tình nghĩa
I. Dàn ý: Vẻ đẹp của người lao động qua các bài ca dao và yêu thương tình nghĩa
1. Mở bài
Giới thiệu về ca dao, dẫn dắt vào đề: vẻ đẹp của người lao động qua các bài ca dao than thân yêu thương tình nghĩa.
2. Thân bài
* Bài 1, 2:
– Mô típ “Thân em…” quen thuộc.
– Nhân vật trữ tình: Là người phụ nữ trong xã hội thời phong kiến, có thân phận nhỏ bé yếu đuối.
– Các hình ảnh so sánh, ẩn dụ: lụa đào, củ ấu khoai
→ Số phận bị lệ thuộc, không có quyền tự quyết định cho cuộc đời mình.
* Bài 3:
– Mở đầu “trèo cây…” khá lạ gây tò mò, hấp dẫn
– Nhân vật trữ tình: Có thể là nam hoặc nữ, hai người yêu thương nhau nhưng không đến được với nhau
– Hình ảnh: Cây khế → Sự chua xót, đau lòng vì có duyên nhưng không thành.
* Bài 4:
– Nhân vật trữ tình: Là một người con gái đang yêu bộc lộ tâm sự vừa trực tiếp vừa gián tiếp
– Nhiều câu hỏi tu từ → Nhiều câu hỏi ngổn ngang trong lòng
– Phép điệp từ, phép lặp câu hỏi, nhân hóa các vật vô tri vô giác: Đèn, khăn, đôi mắt
→ Nỗi lo âu của người con gái vì sợ tình yêu không thành
* Bài 5:
– Nhân vật trữ tình: Người con gái có một tình cảm táo bạo biết theo đuổi tình yêu
– Các hình ảnh được liên tưởng hóa một cách thú vị: Con sông, cây cầu, dải yếm.
→ Nỗi niềm yêu thương của người con gái dành cho người con trai mà mình yêu.
* Bài 6:
– Chủ điểm: Tình nghĩa thủy chung thắm thiết của cặp vợ chồng, họ đã cùng trải qua những đắng cay vất vả chia sẻ ngọt bùi → Không gì chia cách được
– Nghệ thuật: Mượn hình ảnh muối gừng quen thuộc trong ca dao.
* Nhận xét về vẻ đẹp của người lao động:
– Nhận thức rõ được về thân phận của mình.
– Mong ước một tình yêu đẹp
– Tình cảm chung thủy sắt son với người mình yêu
3. Kết bài
Kết luận chung thông qua các bài ca dao, mở rộng.
II. Bài mẫu: Vẻ đẹp của người lao động qua các bài ca dao và yêu thương tình nghĩa
Việt Nam – một đất nước với chiều dài lịch sử với bao nền văn hóa đặc sắc kèm với đó là một kho tàng văn học nghệ thuật khổng lồ. Ta không thể không nhắc đến những bài ca dao vô cùng thân thương của dân gian đã để lại. Mỗi bài ca dao lại mang cho ta những cảm nhận riêng về cuộc đời, về con người. Và đặc biệt vẻ đẹp của người lao động thông qua các bài ca dao than thân, ca dao yêu thương tình nghĩa đã được hiện lên thật rõ.
Trong chế độ phong kiến đầy rẫy những bất công, người phụ nữ đã phải chịu nhiều bất hạnh, chính vì vậy, từ sâu thẳm trong tâm hồn, họ cất lên tiếng than cho số phận của mình:
“- Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
– Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
Ai ơi, nếm thử mà xem!
Nếm ra, mới biết rằng em ngọt bùi.”
Nhân vật trữ tình điển hình trong hai bài ca dao trên là người phụ nữ. Cách xưng hô “thân em như…” đã gợi ra thân phận nhỏ bé yếu đuối đến tội nghiệp vì phải sống trong một xã hội trọng nam khinh nữ. Hình ảnh so sánh, ẩn dụ thân thuộc với cuộc sống: “Thân em như tấm lụa đào” – lụa đào gợi nét đẹp duyên dáng nhẹ nhàng, nhưng lại phất phơ giữa chợ, không biết sẽ vào tay ai. “Củ ấu gai” – dù vẻ bề ngoài xấu xí, đen đúa thế nào thì bên trong vẫn chứa những ngọt bùi, cũng giống như người con gái hình dáng bên ngoài có ra sao nhưng sâu thẳm trong tâm hồn luôn chất chứa một tình cảm chung thủy, đáng để người khác trân trọng. Bài ca dao là tiếng nói của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa. Họ tự ý thức được về giá trị của mình một cách sâu sắc đồng thời cũng là một tâm trạng lo lắng, thấp thỏm trước tương lai phía trước vì thân phận họ bị lệ thuộc, vì lễ giáo phong kiến hà khắc bó buộc.
Tình yêu – một thứ tình cảm rất đặc biệt giữa người với người và là đề tài bất tận của thơ ca. Tình yêu khiến con người có những niềm vui nhưng cũng có những nỗi buồn nếu yêu nhau và không đến được với nhau:
“- Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời,
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi! Có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.”
Đây là một bài ca dao nói về tình yêu của hai con người gặp phải nhiều trắc trở. Mở đầu bài ca dao bằng một động tác “trèo cây”, khiến người đọc không khỏi tò mò. “Ai” một chủ thể không được xác định rõ ràng ở đây, nhưng dù là nam, là nữ, đều mang một tâm trạng chung “xót lòng”. Khi chọn được một nửa của mình mà không thể đến được với nhau, trong lòng không khỏi đau khổ, thời gian cứ dài đằng đẵng trôi đi, mà đôi lứa không thể ở bên cạnh nhau. Một sự tiếc nuối về tình cảm lứa đôi không thể thành.
Ca dao về yêu thương tình nghĩa luôn đi sâu vào lòng người bởi những hình ảnh gắn bó với đời sống của con người lao động:
“Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.”
Có thể thấy rõ, nhân vật trữ tình trong bài ca dao này là người con gái đang yêu, có những bộc lộ tâm sự vừa gián tiếp mà vừa trực tiếp. Những biện pháp nghệ thuật được kết hợp với nhau liên tiếp là các câu hỏi tu từ, với đại từ phiếm chỉ “ai”; những bộc lộ gián tiếp thông qua các hình ảnh khăn, đèn, mắt. Hỏi khăn đầu tiên bởi lẽ khăn là vật dụng gần gũi với người con gái nhất, người con gái ấy hỏi chiếc khăn cũng như đang hỏi chính bản thân mình – một hình thức bày tỏ tâm sự kín đáo, tinh tế. “Khăn thương nhớ ai” được lặp lại đến ba lần càng nhấn mạnh người con gái đang rất nhớ thương người mình yêu. Hết hỏi khăn, nàng chuyển sang các vật dụng khác:
“Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.”
Hỏi khăn không đủ, nàng hỏi đèn, hỏi đôi mắt, qua những câu hỏi liên tiếp ta có thể thấy người con gái thao thức trằn trọc suốt canh thâu bởi niềm thương nỗi nhớ, một nỗi nhớ trải dài theo không gian với thời gian. Người con gái ấy đã chọn cách giãi bày trực tiếp:
“Đêm qua em những lo phiền,
Lo vì một nỗi không yên một bề…”
Nỗi muộn phiền đã được con gái bày tỏ trực tiếp, những lo phiền cứ bao vây xung quanh, cô lo sợ tình yêu không thành, lo sợ hai người không đến được với nhau. Quả là một cô gái có tình yêu sâu đậm, nồng nàn, tha thiết.
Trong bài ca dao tiếp theo, hình ảnh của người con gái hiện lên với sự mạnh mẽ trong tình yêu:
“Ước gì sông rộng một gang.
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.”
Mặc cho xã hội lễ giáo phong kiến có hà khắc ra sao, người con gái này vẫn một mực theo đuổi tình yêu đích thực của mình. Cô gái có lối suy nghĩ vô cùng táo bạo đó là ước “sông rộng một gang”, rồi lại bắc cầu bằng dải yếm. Từ tận sâu trong tâm hồn, đó là một sự quyết liệt theo đuổi hạnh phúc đến cùng.
Tình cảm vợ chồng – một mối tình keo sơn gắn bó luôn được đề cao trong các mối quan hệ giữa con người với con người:
” Muối ba năm muối hãy còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.”
Tình cảm vợ chồng son sắt khó có gì có thể miêu tả được, vậy mà dân gian đã lấy hai hình ảnh thật giản dị thân thuộc với cuộc sống lao động hằng ngày “gừng và muối”. Khoảng thời gian sống bên nhau không chỉ vì tình yêu dành cho nhau mà còn là trách nhiệm với nhau. Một bài ca dao thật hay về tình nghĩa thủy chung thắm thiết của cặp vợ chồng. Họ đã cùng trải qua những đắng cay, vất vả, chia sẻ ngọt bùi cùng nhau, không gì có thể chia cắt được.
Những bài ca dao thân thuộc được viết dưới những câu thơ lục bát hay bốn chữ dễ thuộc dễ nhớ, dễ thấm sâu vào lòng người. Chất liệu dân gian được sử dụng thật độc đáo gây ấn tượng sâu với người đọc. Qua những bài ca dao trên, ta có thể thấy rõ được những vẻ đẹp trong tâm hồn của con người lao động. Họ là những người biết rõ về bản thân, thương cho số phận của mình, những nỗi lo lắng về tình yêu khi không thành đôi. Cùng với đó là tình cảm thắm thiết thủy chung của vợ chồng dành cho nhau. Những vẻ đẹp đó sẽ mãi được lưu giữ với thời gian.
Nỗi niềm chua xót, đắng cay và tình cảm yêu thương của người bình dân trong xã hội cũ được bộc lộ một cách chân tình, sâu sắc qua chùm ca dao yêu thương tình nghĩa. Nghệ thuật dân gian đã tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn của người lao động trong câu ca, và đặc biệt nó mang lại một nét đẹp cho kho tàng văn học Việt Nam.