Lớp 10

Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì?

Đề bài: Việc Kiều nhắc đến các kỉ niệm của tình yêu có ý nghĩa gì?

viec kieu nhac den cac ki niem cua tinh yeu co y nghia gi

Bài làm:

Nhắc đến duyên số, người ta chỉ biết đến sự chấp nhận, bởi mặc định trời cho duyên phận như thế nào chỉ còn biết theo vậy mà tuân theo. Thúy Kiều và Kim Trọng được trời ban cho mối nhân duyên đôi lứa, ấy vậy mà Thúy Kiều lại đem duyên của mình gửi sang người khác, mang cái duyên của mình đi nhờ cậy, gửi gắm nơi em gái của mình. Khi trao duyên cho Thúy Vân, Kiều đã nhắc đến những kỉ niệm tình yêu với Kim Trọng, điều đó cho thấy dường như nàng đang sống lại với chính tình yêu của mình.

Mối tình duyên của Thúy Kiều và Kim Trọng, có thể nói là một mối nhân duyên trời ban, thế nhưng gia đình rơi vào hoàn cảnh bi kịch, nàng phải đứng giữa hai sự lựa chọn khắc nghiệt của xã hội, bên hiếu – bên tình. Để làm trọn bổn phận người con, Kiều đã chọn chữ “Hiếu”, cuộc đời nàng giờ đây đứng trước muôn ngàn sóng gió, trôi nổi bấp bênh, vì không muốn phụ tấm lòng của chàng Kim nên Kiều đã nhờ cậy em gái mình kết duyên với Kim Trọng, nối tiếp mối duyên dang dở ấy. Từng lời nói của Thúy Kiều như nhát dao sắc, từng câu chữ như cứa vào lòng người đọc nỗi chua xót cùng cực:

“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em.
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kì,
Hiểu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai.”

Kiều nói rõ cho em hiểu sự tình dang dở của mình với Kim Trọng, nàng gọi mối tình ấy là “mối tơ thừa” bởi đối với nàng thì đó là lẽ sống nhưng đối với Thúy Vân đó là sự trói buộc, ngang trái. Kiều kể về buổi đầu gặp gỡ, lời thề nguyền đính ước với chàng Kim “quạt ước”, “chén thề” là kỉ niệm hai người tặng quạt cho nhau với lời hẹn ước trăm năm, uống với nhau chén rượu thề nguyền chung thủy. Gợi nhắc kỉ niệm ấy, Kiều muốn khẳng định chắc chắn một điều với Thúy Vân rằng mối tình giữa nàng và Kim Trọng là mối tình sâu sắc chứ không phải trăng gió thoảng qua.

“Chiếc vành với bức tờ mây,
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.”

Không chỉ nhắc đến các kỉ niệm, Kiều còn đem kỉ vật của tình yêu gửi gắm nơi em gái, đó chính là chiếc vành, bức tờ mây, phím đàn và mảnh hương nguyền. Những tín vật tình yêu đã cho Kiều một lần nữa được sống lại với tình yêu của mình, trong hoàn cảnh của Kiều khi ấy, chỉ còn những kỉ vật là nơi bấu víu duy nhất của Kiều. Thúy Kiều và Kim Trọng đã có với nhau những kỉ niệm đẹp, những ngày tháng hạnh phúc ngập tràn, vậy mà giờ đây Kiều phải chọn chữ hiếu mà hi sinh đi chữ tình, nàng chỉ mong mai này khi chàng Kim trở về, chàng và em của nàng có thành duyên vợ chồng hãy nhớ đến nàng. Nàng mong những kỉ vật tình yêu có thể giữ thành của chung của cả ba người, tuy trao kỉ vật cho Vân nhưng nàng không thể trao được tình yêu chàng Kim, tình yêu càng sâu sắc và mãnh liệt bao nhiêu thì càng thấm bi kịch đau khổ bấy nhiêu.

Qua các chi tiết Kiều nhắc đến kỉ niệm của tình yêu trong đoạn trích “Trao duyên”, tác giả Nguyễn Du đã làm nổi bật lên bi kịch đau khổ của Kiều, đó là bi kịch về một tình yêu tan vỡ và cuộc đời đầy trái ngang, oan khổ. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp trong tâm hồn của Kiều, người con gái có tấm lòng thủy chung da diết, mặn mà, nặng tình nặng nghĩa. Đây cũng chính là tinh thần nhân đạo cũng như tấm lòng nhân hậu, cảm thương sâu sắc của Nguyễn Du đối với số phận người con gái tài hoa bạc mệnh.

 

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button