Đề bài: Trình bày cảm nhận về âm thanh sự sống trong truyện ngắn Chí Phèo
Bài văn cảm nhận âm thanh cuộc sống của Chí Phèo
Bài làm:
Nam Cao là nhà văn thường nói về hiện tượng tha hóa, lưu manh hóa của người nông dân. Không những thế, ông còn thấy được ở họ khao khát muốn thức tỉnh. Hình tượng Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên là nhân vật như thế. Chí hiện lên là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” nhưng ẩn sâu trong đó là khát khao được làm người lương thiện. Đặc biệt, cảm nhận của nhân vật về âm thanh sự sống vào sáng hôm sau thức dậy đã thể hiện ước muốn cháy bỏng ấy của nhân vật.
Chí vốn là người nông dân hiền lành nhưng do bị Bá Kiến đẩy vào tù nên khi ra tù hắn trở thành một kẻ lưu manh. Trong một đêm say, Chí gặp Thị Nở và sáng hôm sau thức dậy, Chí lần đầu tiên trong đời cảm nhận được âm thanh của sự sống: “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá! Có tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy…Chao ôi là buồn!”. Nếu trước kia hắn chưa bao giờ hết say để cảm nhận âm thanh sự sống thì lần này, hắn thực sự tỉnh táo để lắng nghe từng biến động nhỏ của cảnh vật.
Trước tiên, cảnh vật với những âm thanh vui vẻ, huyên náo ấy đã đánh thức các giác quan của Chí. Chí không chỉ nghe mà còn cảm nhận được sự bình dị, mới mẻ và tưởng tượng ra cảnh vật ngoài kia. Có thế, hắn mới nghe và đoán chắc rằng có một người đàn bà đang hỏi người đàn bà khác đi bán vải ở Nam Định về qua những lời hỏi đáp. Có thể nói, Chí Phèo đã cảm nhận âm thanh cuộc sống như một nhà thơ thực thụ, một người với tâm hồn nhạy cảm lắng nghe mọi biến động của cuộc sống
Không chỉ vậy, âm thanh cuộc sống còn giúp Chí Phèo tỉnh táo để ý thức về bản thân mình: “hắn lại nao nao buồn, là vì mẩu chuyện ấy nhắc cho hắn một cái gì rất xa xôi. Hình như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải”. Chí buồn bởi trước kia hắn đã từng có một ao ước bình dị, nhỏ bé và rất đỗi lương thiện nhưng thực tại lại hoàn toàn trái ngược. Hắn ý thức về thực tại và bỗng thấy mình “già mà vẫn còn cô độc”, đồng thời cũng mường tượng tương lai: “hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Càng nhận thức được hoàn cảnh của bản thân, Chí lại càng thấm thía và đau xót cho chính mình. Từ một con người lương thiện với ước mơ bình dị, Chí đã bị biến thành một tên lưu manh để rồi khi nhìn lại hắn xót xa vì cuộc đời mình bị tàn phá. Có lẽ trên đời đáng sợ nhất là sự cô độc bởi sợi dây gắn kết với cộng đồng không còn nữa, con người sống mãi mãi chỉ là tồn tại. Người đọc thấy được những suy nghĩ sâu sắc ẩn sau vẻ ngoài và hành động lưu manh của “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.
Tóm lại, chi tiết Chí Phèo cảm nhận về âm thanh sự sống không chỉ có ý nghĩa tả thực khách quan mà còn mang nhiều nét nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Nó không chỉ giúp nhân vật tỉnh táo về mặt giác quan mà còn giúp Chí tự nhận thức, tự ý thức về cuộc đời mình. Qua đó, người đọc thấy được tài năng phân tích tâm lí bậc thầy cùng tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao – sự phát hiện đốm sáng nhân tính bên trong tâm hồn của những kẻ tưởng chừng như tha hóa.
—————- Hết —————-
Thông qua việc tham khảo bài mẫu viết cảm nhận về âm thanh cuộc sống trong Chí Phèo, chúng ta đã phần nào hiểu được quá trình thức tỉnh, sự khát khao được làm người của nhân vật Chí Phèo. Tiếp theo, các em cần tham khảo phần Phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí phèo, Hình ảnh làng Vũ Đại trong truyện ngắn Chí Phèo, Phân tích Tiếng chửi của Chí Phèo, Cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo,…, để ôn tập và hiểu hơn về nội dung, ý nghĩa của truyện.