Lớp 11

Về nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Đề bài: Về nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát (hoặc Bài ca ngất ngưởng)

ve nhan cach nha nho chan chinh trong bai ca ngan di tren bai cat hoac bai ca ngat nguong

Văn mẫu phân tích nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngất ngưởng và Bài ca ngắn đi trên bãi cát

Bài làm:

Nhắc đến Cao Bá Quát, người ta thường hình dung ông với hai từ ngữ rất đỗi cao đẹp ấy là tài hoa và khí phách. Trong suốt cuộc đời nho gia của mình ông luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên, vượt qua những tư tưởng bảo thủ, lạc hậu để tìm cho mình một con đường sáng, thoát khỏi cái vỏ bọc lễ giáo tầm thường. Cao Bá Quát chính là sự hiện diện của một nhà nho chân chính trong xã hội đương thời, có thể nói trong suốt cuộc đời ông chưa bao giờ chịu sống một cuộc sống tầm thường. Bằng cái tầm nhìn lớn và những nhận thức mới đi trước thời đại, ông đã tự tìm cho mình một con đường riêng thật khí phách và hào sảng điều ấy thể hiện rất nhiều trong thơ, văn của ông. Một ví dụ điển hình nhất chính là tác phẩm Sa hành đoản ca.

Cao Bá Quát xuất thân trong một gia đình Nho giáo, vốn có truyền thống khoa bảng từ lâu đời. Chính vì vậy ngay từ nhỏ, ông đã ra sức học hành nhằm đỗ đạt, làm rạng danh tổ tiên. Tuy nhiên, cốt cách con người ông vốn đã ưa tự do, phóng khoáng, chính vì thế trong bài thi của ông thường có những tư tưởng khác lạ, không hợp với chế độ phong kiến thời bấy giờ, nên ông không được đỗ đạt cao. Điều đó chứng tỏ ông là một người có bản lĩnh, dám thách thức thời đại, dám đương đầu với những thứ vốn là thâm căn cố đế lâu đời, ông có một niềm vọng tưởng thay đổi thời đại, nhưng đó chỉ là ý chí tự phát, chưa có hệ thống rõ ràng. Một điều nữa, Cao Bá Quát là một con người rất nghị lực, ông có thể vượt đường xá xa xôi đi thi ở Huế tới 9 lần, tuy không đỗ đạt nhưng từ trải nghiệm đó, đã khiến cho Cao Bá Quát nhận thức được nhiều điều. Hóa ra những cái ông theo đuổi bấy lâu chỉ là hư vô, là những thứ tầm thường biết bao, càng chứng minh cái nhận thức thật sáng suốt của ông mà biết bao nhà nho xưa không thể nhìn thấy, chỉ biết cố chấp với con đường khoa bảng mịt mù. Cao Bá Quát không ham mê danh lợi, càng không màng đến chúng, thậm chí từng có lúc ông ví von công danh chính là danh lợi, người theo đuổi công danh chính là “phường danh lợi”. Rõ ràng phải có một tâm hồn phóng khoáng đến mức nào thì ông mới có được cái suy nghĩ mới mẻ như vậy, bởi xét cho cùng con người ta mấy ai lại không thích công danh bao giờ. Tựu chung lại, Cao Bá Quát đích thực là một nhà nho chân chính.

Quan niệm về một nhà nho chân chính chính là ở tấm lòng yêu nước thương dân, mong muốn được cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Đối với họ, công danh chính là bước đường khiến họ đến gần hơn với việc hành đạo giúp đời, góp sức cho tổ quốc, chứ không phải là nơi để chuộc lợi, hay thỏa mãn cái thói hư vinh tầm thường. Thêm vào đó khí tiết đối với bậc nho gia là thứ muôn đời được xem trọng và trong hoàn cảnh nào nó cũng phải được giữ vững, tránh xa những điều bẩn thỉu, chống lại được cám dỗ. Đấy mới đủ tư cách của một nhà nho chân chính.

Đối với Cao Bá Quát, cái nhân cách của môt nho gia thể hiện có phần khác lạ hơn cả. Trong bài thơ Sa hành đoản ca, trước hết từ thể ca hành, ta đã thấy được một tâm hồn, rộng mở, phóng túng, thích tự do của tác giả. Tuy ông cũng chọn con đường công danh, học hành để tiến thân như nhiều nhà nho đương thời, nhưng với đôi mắt đi trước thời đại ông đã sớm nhận ra tình hình thực tế của xã hội lúc bấy giờ. Ông cũng sớm thấu hiểu được con đường danh lợi đã không còn phù hợp nữa, đặc biệt là với một con người có tư tưởng đổi mới như ông. Ông đã nỗ lực ý thức để bước ra khỏi “bãi cát” danh vọng, nơi mà hy vọng đâu không thấy chỉ thấy mờ mịt, cùng đường. Chính cái con đường danh vọng ấy đã hành xác biết bao những văn nhân, sĩ tử, trong đó có cả ông. Một quan niệm thật mới mẻ, ông coi danh vọng chính là thứ rượu mạnh, làm cho người ta mê mẩn đến lú lẫn, người không tỉnh được, người lại không chịu tỉnh. Đó là một cơn say sai trái – cơn say danh vọng. Trong cái nhận thức sâu sắc ấy của mình, Cao Bá Quát đã có môt khao khát, khao khát được thay đổi cuộc sống, thay đổi xã hội. Làm sao để những con người như ông có một bước đi mới tốt đẹp hơn, để ông có thể hết lòng cống hiến cho cuộc đời, cho dân tộc, cho đất nước. Một nhân cách cao đẹp biết bao.

Bài thơ Sa hành đoản ca là một trong những tác phẩm có thể nói lên hết cái tâm hồn và nhân cách nho gia chân chính của Cao Bá Quát. Ở đó, ta vừa thấy được cái phóng khoáng tự do, lại thấy được cái ý chí, tài năng vượt bậc trong nhận thức về công danh. Đồng thời còn là khao khát thay đổi cuộc sống, giúp đời đẹp đạo, giữ vững cái khí tiết thanh cao của nho gia, không chịu chung đụng với những con người với nhân cách tầm thường.

————— HẾT —————

Trên đây là bài văn mẫu phân tích về nhân cách nhà nho chân chính trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát (hoặc Bài ca ngất ngưởng). Tiếp theo, để hiểu rõ hơn về nội dung, giá trị nghệ thuật của bài viết, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn khác như: Soạn bài Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Phân tích hình ảnh bãi cát và người đi trên bãi cát trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát để thấy được tâm trạng bi phẫn của Cao Bá Quát, Phân tích tâm trạng người lữ khách trong bài thơ Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Cảm nhận Bài ca ngắn đi trên bãi cát,…

 

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button