Lớp 12

Viết về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích

Đề bài: Viết về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích

viet ve mot truyen ngan trong nen van xuoi hien dai viet nam ma anh chi yeu thich

Viết về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích

 

I. Dàn ý Viết về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích ( Viết về truyện ngắn Chữ người tử tù)
 

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về truyện ngắn yêu thích nhất – truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
 

2. Thân bài

a. Tình huống truyện độc đáo

– Cuộc gặp gỡ giữa nhân vật Huấn Cao – người tử tù có tài viết chữ đẹp và viên quản ngục – người say mê cái đẹp, say mê chữ của Huấn Cao trong một hoàn cảnh rất đặc biệt đó chính là những ngày cuối cùng của án tử trong một trại giam.
– Đó là một cuộc gặp gỡ, một tình huống đầy éo le, trớ trêu và kịch tính:
+ Xét trên bình diện nghệ thuật, Huấn Cao và viên quản ngục chính là tri âm, tri kỉ, một người sáng tạo cái đẹp còn một người say mê cái đẹp.
+ Trên bình diện xã hội thì hoàn toàn ngược lại, họ lại là những kẻ đối nghịch nhau
–> Tình huống đầy kịch tính ấy giúp bộc lộ những vẻ đẹp, tấm lòng của các nhân vật

b. Nhân vật

* Nhân vật Huấn Cao:

– Huấn Cao hiện lên là một người tài hoa – người có tài viết chữ đẹp:

+ Lời khen của viên quản ngục
+ Ước mơ, khát vọng cháy bỏng của viên quản ngục: một ngày kia có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà của mình.
+ Tác giả miêu tả trực tiếp qua cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục nơi chốn ngục tù.

– Huấn Cao còn là người có khí phách hiên ngang trước cường quyền, bạo lực.

+ Thái độ, cách ứng xử của Huấn Cao khi đến trại giam – thái độ dỗ gông, chúc mũi gông.
+ Lời đáp của Huấn Cao với viên quản ngục khi được viên quản ngục quan tâm

– Huấn Cao là một người có tâm, có thiên lương trong sáng.

+ Huấn Cao “không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết bao giờ”.
+ Ông cho chữ viên quản ngục khi biết được sở thích cao quý của viên quản ngục

* Nhân vật viên quản ngục:

– Một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” – biết quý trọng người có tài.
– Ông cũng là một người say mê cái đẹp, có sở thích cao quý – thú chơi chữ.

c. Cảnh tượng cho chữ

– Cảnh cho chữ diễn ra trong “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện” giữa đêm khuya yên tĩnh – đêm cuối cùng của người từ tù.
– Hình tượng:
+ Người tử tù: “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván”
+ Viên quản ngục: “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng” .
+ Thầy thơ lại thì “run run bưng chậu mực”.
–> Ở đây, dường như đã có sự đảo lộn về vị thế của các nhân vật.

– Ý nghĩa của cảnh cho chữ: thể hiện rõ nét quan niệm của Nguyễn Tuân về cái Đẹp.

+ Cái Đẹp sẽ luôn chiến thắng cái ác, cái xấu xa, cái bẩn thỉu và nó có thể nảy sinh từ trong cái ác, cái xấu nhưng chúng không thể lẫn lộn.
+ Cái đẹp luôn có sức mạnh cảm hóa con người, luôn hướng con người tới thiên lương.

 

3. Kết bài

Khái quát những đặc sắc về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm và cảm nghĩ của bản thân.

 

II. Bài văn mẫu Viết về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích  

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam có nhiều tác giả, tác phẩm xuất sắc, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc và Nguyễn Tuân là một trong số những tác giả đó. Nguyễn Tuân được mệnh danh là “người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái Đẹp” với phong cách tài hoa, uyên bác cùng vốn từ vựng phong phú và truyện ngắn “Chữ người tử tù” là một trong số những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ của ông. Tác phẩm đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng độc đáo, không bao giờ có thể quên được.

Trước hết, truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân đã xây dựng được một tình huống truyện độc đáo, mới lạ. Tình huống truyện trong tác phẩm chính là cuộc gặp gỡ giữa nhân vật Huấn Cao – người tử tù có tài viết chữ đẹp và viên quản ngục – người say mê cái đẹp, say mê chữ của Huấn Cao trong một hoàn cảnh rất đặc biệt đó chính là những ngày cuối cùng của án tử trong một trại giam. Đó là một cuộc gặp gỡ, một tình huống đầy éo le, trớ trêu và kịch tính bởi lẽ mối quan hệ của hai nhân vật rất đặc biệt. Xét trên bình diện nghệ thuật, Huấn Cao và viên quản ngục chính là tri âm, tri kỉ, một người sáng tạo cái đẹp còn một người say mê cái đẹp. Thế nhưng trên bình diện xã hội thì hoàn toàn ngược lại, họ lại là những kẻ đối nghịch nhau giữa một bên là tử tù – người chống lại triều đình và một bên là quản ngục – người làm việc cho tử tù. Và để rồi, chính tình huống đầy kịch tính ấy không những đã làm cho câu chuyện thêm hấp dẫn, thú vị mà hơn thế nữa còn giúp nhân vật bộc lộ những vẻ đẹp, tấm lòng của các nhân vật, đúng như Nguyễn Minh Châu từng nói “Tình huống truyện như một thứ nước rửa hình, rửa ảnh mà qua đó làm nổi hình, nổi sắc nhân vật”.

Thêm vào đó, truyện ngắn “Chữ người tử tù” còn xây dựng được các nhân vật với nhiều vẻ đẹp đáng trân quý. Điều đó được thể hiện trước hơn hết ở nhân vật Huấn Cao. Đầu tiên, nhân vật Huấn Cao hiện lên là một người tài hoa – người có tài viết chữ đẹp, một thứ chơi tao nhã trong truyền thống của dân tộc từ ngàn đời nay. Đọc tác phẩm, chắc hẳn người đọc sẽ không thể nào quên được lời của viên quản ngục khi Huấn Cao vừa được đưa tới trại giam nơi đây “Huấn Cao ! hay là người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn ca tụng cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?” Lời khen ấy của viên quản ngục đã cho thấy tài viết chữ đẹp của Huấn Cao được nhiều người biết đến, được đồn đại, truyền tụng rộng rãi trong thiên hạ. Đồng thời, tài viết chữ đẹp ấy còn được thể hiện qua ước mơ, khát vọng cháy bỏng của viên quản ngục là một ngày kia có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà của mình. Như vậy, tài viết chữ đẹp của Huấn Cao đã được tác giả miêu tả một cách gián tiếp, làm tăng tính khách quan, tạo nên sự thuyết phục với bạn đọc, đồng thời, tài năng ấy cũng được tác giả miêu tả trực tiếp qua cảnh Huấn Cao cho chữ viên quản ngục nơi chốn ngục tù. Dẫu trong tư thế “cổ đeo gông, vai vướng xiềng” những chữ của Huấn Cao vẫn thật đẹp – những “nét chữ vuông tươi tắn như hoài bão tung hoành của một đời người”. Thêm vào đó, Huấn Cao còn là người có khí phách hiên ngang trước cường quyền, bạo lực. Có thể nói thái độ, cách ứng xử của Huấn Cao khi đến trại giam – thái độ dỗ gông, chúc mũi gông đã cho thấy sự phản kháng, trêu ngươi, thách thức của ông. Đồng thời, lời đáp của Huấn Cao với viên quản ngục khi được viên quản ngục quan tâm cũng đã thể hiện rõ điều đó. “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng có tới quấy rầy ta.” Câu nói đầy khảng khái ấy của Huấn Cao đã cho thấy thái độ hiên ngang, không sợ cường quyền của ông. Cuối cùng, ở nhân vật Huấn Cao, chúng ta còn thấy hiện lên là một người có thiên lương trong sáng. Huấn Cao đã từng nói với viên quản ngục “ta không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết bao giờ”. Lời nói ấy của Huấn Cao đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn trong sáng của ông, ông không cho chữ vì tiền bạc, quyền lực mà chỉ cho chữ những người ông coi là tri âm, tri kỉ, cho những người biết trân trọng và thưởng thức cái đẹp. Và đặc biệt, vẻ đẹp thiên lương trong sáng của ông còn được thể hiện rõ nét qua hành động cho chữ, lời nói của ông khi biết được sở thích cao quý của viên quản ngục “Ta rất cảm kích tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ.” Hành động, tấm lòng ấy của Huấn Cao là sự đền đáp một tấm lòng tri âm tri kỉ, đồng thời, nó cũng thể hiện quan điểm của Nguyễn Tuân về cái Đẹp – cái Đẹp phải đi liền với cái tài và cái tâm.

Cùng với nhân vật Huấn Cao, hình tượng nhân vật viên quản ngục cũng là một nhân vật hiện lên với tấm lòng đáng trân trọng. Dẫu sống nơi chốn nhà tù tăm tối với biết bao điều xấu xa, ấy vẫn mà viên quản ngục vẫn giữ được nhân cách sống cao quý của mình. Ông là một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” – biết quý trọng người có tài. Tấm lòng này của ông được thể hiện chân thực và rõ nét qua thái độ, cách ứng xử của viên quản ngục với Huấn Cao. Đồng thời, ông cũng là một người say mê cái đẹp, có sở thích cao quý – thú chơi chữ. Suốt cả cuộc đời mình, viên quản ngục luôn có một ước mơ, một khao khát cháy bỏng là có được câu đối do chính tay Huấn Cao viết để treo trong nhà. Và để rồi, chính niềm khao khát cháy bỏng ấy cùng niềm say mê cái đẹp của mình đã khiến ông bất chấp mọi hiểm nguy, mọi nỗi sợ hãi để xin chữ Huấn Cao ngay chốn ngục tù.

Đặc biệt, đọc truyện ngắn “Chữ người tử tù”, người đọc sẽ không thôi ám ảnh về cảnh cho chữ trong phần cuối của tác phẩm. Cảnh cho chữ vốn diễn ra ở những nơi thanh tao, cao quý, nay lại diễn ra ngay chốn ngục tù, trong “buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện” giữa đêm khuya yên tĩnh – đêm cuối cùng của người từ tù. Và để rồi, trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, dưới ánh sáng của bó đuốc, cảnh cho chữ đã diễn ra. Người tử tù “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván” còn viên quản ngục “khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng” và thầy thơ lại thì “run run bưng chậu mực”. Ở đây, dường như đã có sự đảo lộn về vị thế của các nhân vật, đáng lẽ ra người phải khúm núm, run sợ chính là tên tử tù nhưng người tử tù này lại hiên ngang, đĩnh đạc. Còn thầy thơ lại và viên quản ngục đáng ra ở trong tư thế hiên ngang thì lại khúm rúm, run sợ trước tên tử tù. Đó phải chăng là sự chiến thắng của cái đẹp của cái thiên lương. Và để rồi, cảnh cho chữ này đã thể hiện rõ nét quan niệm của Nguyễn Tuân về cái Đẹp. Với Nguyễn Tuân, cái Đẹp sẽ luôn chiến thắng cái ác, cái xấu xa, cái bẩn thỉu và nó có thể nảy sinh từ trong cái ác, cái xấu nhưng chúng không thể lẫn lộn. Đồng thời, cái đẹp luôn có sức mạnh cảm hóa con người, luôn hướng con người tới thiên lương.

Tóm lại, truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân là một tác phẩm đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật. Đồng thời, qua tác phẩm cũng giúp chúng ta hiểu hơn về nhà văn Nguyễn Tuân cũng như quan niệm độc đáo của ông về cái Đẹp.

————————-HẾT—————————-

Đề bài Viết về một truyện ngắn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam mà anh (chị) yêu thích nhằm giúp các em củng cố thêm cho kiến thức môn Ngữ văn lớp 11,12 để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia sắp tới. Bên cạnh đó để việc ôn tập hiệu quả, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số tác phẩm văn xuôi thuộc những Bài văn hay lớp 12 mà Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên Huế đã giới thiệu như: Phân tích truyện ngắn Rừng xà nu, Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, Phân tích truyện ngắn Những đứa con trong gia đình

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button