Từ chỉ đặc điểm là gì?
Từ chỉ đặc điểm là những từ chỉ những nét riêng biệt hoặc là vẻ đẹp của một sự vật hay sự việc, hiện tượng nào đó (có thể là người, con vật, đồ vật, cây cối…). Những đặc điểm này chủ yếu là những đặc điểm bên ngoài, cái chúng ta có thể nhận biết trực tiếp thông qua các hoạt động nhìn, nghe, ngửi, sờ. Ví dụ như những nét riêng biệt, vẻ đẹp riêng về màu sắc, hình dáng, mùi , âm thanh…. Tuy nhiên không phải lúc nào đặc điểm của cũng là đặc điểm bên ngoài, có những trường hợp đặc điểm ở bên trong phải qua quan sát, suy luận… mới có thể nhận biết được.
Ví dụ:
1. Con đường đã bị bao phủ bởi màu vàng của lá cây.
2. Cô giáo tôi rất nghiêm khắc với học sinh.
Phân loại từ chỉ đặc điểm
Như ở phần định nghĩa cũng đã trình bày, từ chỉ đặc điểm có thể phân loại thành 2 loại:
– Từ chỉ đặc điểm bên ngoài là những từ chỉ nét riêng của sự vật thông qua các giác quan của con người như hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị…
Ví dụ:
1. Anh ta vừa cao lại vừa gầy.
⇒ Cao, gầy là những từ chỉ đặc điểm về hình dáng.
2. Món sườn xào chua ngọt của mẹ tôi làm có mùi thơm và vị rất ngon.
⇒ Thơm, ngon là những từ chỉ đặc điểm về mùi vị.
3. Hàng xóm nhà tôi hát nhạc rất to và ồn ào.
⇒ To, ồn ào là những từ chỉ đặc điểm về âm thanh .
– Từ chỉ đặc điểm bên trong là các từ chỉ các nét riêng được nhận biết sau một quá trình quan sát, suy luận và đúc kết đưa ra kết luận. Những từ này thường là những từ chỉ cấu tạo, tính chất, tính tình.
Ví dụ:
1. Anh ta là một kẻ mưu mô và đầy toan tính.
2. Linh là một người vui tính và dễ thương.
⇒ Mưu mô, toan tính hay vui tính, dễ thương đều là những từ chỉ tính cách con người. Chúng ta không thể đưa ra kết luận về tính cách của con người chỉ thông qua tiếp xúc bằng các giác quan. Phải qua quá trình quan sát, tiếp xúc mới có thể kết luận được những đặc điểm về tính cách bên trong.
Cách phân biệt từ chỉ đặc điểm, từ chỉ hoạt động, trạng thái, từ chỉ sự vật
Từ chỉ sự vật
Từ chỉ sự vật là gì: là từ chỉ các tên gọi sau đây
- Con người và các bộ phận của con người như tay, chân, tóc, mắt, mũi.
- Động vật và các bộ phận của động vật: chó, mèo, gà, vịt,…
- Thực vật và các bộ phận của cây: hoa hồng, mơ,…
- Đồ vật: bàn ghế, sách, vở,…
- Các hiện tượng tự nhiên: mưa, gió, nắng, sấm, chớp,…
- Cảnh vật: bầu trời, mặt đất, dòng sông,…
Từ chỉ đặc điểm
- Màu: xanh, đỏ, tím, vàng …
- Tính cách: thân thiện, ác …
- Kích thước: dài, ngắn, lớn, nhỏ, …
- Các cảm quan: nóng, mặn, ngọt, …
- Tính chất: sai, đúng, rắn …
Từ chỉ hoạt động, trạng thái
Từ chỉ hoạt động là những từ chỉ chuyển động của người hoặc động vật có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Ví dụ về các hoạt động: chạy, nhảy, cười, nói, v.v.
Từ chỉ trạng thái là từ chỉ những chuyển động vô hình bên trong. Ví dụ về các hành động: suy nghĩ, buồn, vui, ghét, …
Những lỗi cơ bản có thể mắc phải khi làm bài tập từ chỉ đặc điểm
Về cơ bản, dạng bài tập về từ chỉ đặc điểm là những dạng bài tập không khó và dễ ghi điểm. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều em học sinh bị nhầm lẫn trong quá trình sử dụng dẫn đến mất điểm một cách đáng tiếc. Dưới đây là một số lỗi sai thường gặp khi dùng từ chỉ đặc điểm:
– Lỗi sai về nhận biết và phân loại: Nguyên nhân chủ yếu là do các em học sinh chưa nắm được rõ về định nghĩa và khái niệm của từ chỉ đặc điểm. Lỗi sai này một phần do từ chỉ đặc điểm là một phần của từ vựng Tiếng Việt được sử dụng đẻ chỉ sự vật, nên rất dễ gây ra sự nhầm lẫn với các loại từ khác. Chính vì vậy hãy chăm chỉ luyện tập để sử dụng và phân biệt từ chỉ đặc điểm một cách chính xác nhất.
– Do hạ chế về mặt vốn từ: Tiếng Việt là ngôn ngữ có từ vựng vô cùng đa dạng, chính vì điều này khiến nhiều em học sinh gặp phải các lỗi sai do không biết nghĩa của từ là gì. Để khắc phục được điều này không còn cách nào khác ngoài việc các em cần chăm chỉ luyện tập, đọc sách để nâng cao kiến thức về ngôn ngữ cho bản thân.
– Do không đọc kỹ đề: Đây là nguyên nhân khiến rất nhiều em học sinh bị mất điểm. Dạng bài về từ chỉ đặc điểm quả thực không phải là dạng bài khó nên đã tạo ra tâm lý chủ quan cho học sinh trong quá trình làm bài dẫn tới những lỗi sai rất đáng tiếc.
Cách làm bài tập về từ chỉ đặc điểm
Nắm rõ các đặc điểm và loại từ chỉ đặc điểm
Các em cần nắm được đặc điểm và cách phân loại của phần từ chỉ đặc điểm này để có thể giải được bài tập về từ chỉ đặc điểm trong Tiếng Việt lớp 2.
Khái niệm từ chỉ đặc điểm không quá khó, vì vậy cha mẹ có thể giúp con hiểu được ý chính của khái niệm, chẳng hạn như đây là từ mô tả hình dạng, màu sắc, mùi vị,… của một sự vật, hiện tượng,sẽ dễ hiểu hơn cho trẻ.
Gia tăng vốn từ vựng
Trong tiếng Việt có khá nhiều từ chỉ đặc điểm nên việc tăng cường vốn từ cho trẻ không chỉ để giải bài tập này mà còn phát triển ngôn ngữ tốt hơn. Về phát triển vốn từ vựng, cha mẹ nên khuyến khích con tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài, nói chuyện với con thường xuyên hơn và tập đọc sách.
Luyện tập nhiều hơn
Thay vì dạy tiếng Việt lớp 2 cho trẻ chỉ mang tính lý thuyết, các bậc phụ huynh nên giáo dục trẻ thực hành nhiều hơn. Việc thực hành ở đây là để các em áp dụng cách học từ chỉ đặc điểm vào cuộc sống và làm bài thường xuyên… để các em ghi nhớ, tư duy, sáng tạo làm bài chính xác hơn.
Tổ chức trò chơi
Để khơi dậy hứng thú của trẻ trong quá trình học và giúp trẻ hiểu được những kiến thức này, cha mẹ có thể tổ chức cho con những trò chơi.
Các trò chơi ở đây có thể do cha mẹ tự tạo ra như sau: tìm kiếm các từ đặc điểm tương ứng. Ví dụ, “Bạn có thể tìm thấy 5 đồ vật màu xanh trong nhà không?”, “Tìm 5 từ chỉ hình dáng người” …
Thường xuyên đặt câu hỏi
Khi học từ chỉ đặc điểm này đặc biệt là môn Tiếng Việt, các bậc cha mẹ phải thường xuyên đặt cho con nhiều câu hỏi về các loại từ này.
Ví dụ: Nêu đặc điểm ngôi nhà của bạn, hãy nói về đặc điểm con người,…
********************