Lớp 6

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc (16 Mẫu)

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc bao gồm dàn ý chi tiết cùng 16 bài mẫu hay nhất do thầy cô trường Ngô Thì Nhậm biên soạn sẽ giúp các em học sinh lớp 6 có thêm nhiều gợi ý mới lạ để hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình.

Đề bài:Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọcViết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc

 

Khi viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc, các em cần chú ý:

– Xác định hiện tượng đời sống mà cuốn sách (hoặc văn bản) gợi ra thông qua các chi tiết, sự việc, câu văn, đoạn văn cụ thể:

  • Hiện tượng đó là gì?
  • Đó là hiện tượng tích cực hay tiêu cực?

– Liên hệ với thực tế cuộc sống xung quanh em để hiểu rõ hơn về hiện tượng đời sống gợi ra từ cuốn sách (hoặc văn bản). Tìm hiểu thông tin cụ thể:

  • Hiện tượng đời sống thường xảy ra ở đâu, liên quan trực tiếp và gián tiếp đến những ai?
  • Hiện tượng đó xảy ra như thế nào? Vì sao?
  • Hiện tượng đó có tác động gì tới cuộc sống của em và những người khác?
  • Em thấy cần phải làm gì để có thể giải quyết, khắc phục nếu là hiện tượng tiêu cực hoặc phát huy, lan toả nếu là hiện tượng tích cực?

Dàn ý viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc

1. Mở bài

– Giới thiệu tên sách, tác giả và hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra

Ví dụ: Sự vô cảm của con người trong tác phẩm Cô bé bán diêm

2. Thân bài

– Nêu ý kiến (suy nghĩ) về hiện tượng:

+ Sự vô cảm của mọi người trước cảnh ngộ éo le của em bé bán diêm đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về căn bệnh vô cảm của con người.

– Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý kiến về hiện tượng cần bàn luận:

+ Biểu hiện của sống vô cảm:

  • Lúc nào cũng chỉ biết đến bản thân mình, thờ ơ với mọi người, mọi thứ xung quanh
  • Khó rung động trước hoàn cảnh của người khác, những người này thường không giúp đỡ người khó khăn trước mắt mình, sống với thái độ dửng dưng

+ Tác hại của sống vô cảm:

  • Tự mình tách biệt với xung quanh, không có sự gắn kết với mọi người, dần dần cảm thấy cô độc.
  • Người vô cảm sẽ nảy sinh những tính xấu khác: hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân, ích kỉ, nhỏ nhen, dần sẽ trở thành người xấu bị mọi người né tránh

– Trình bày cụ thể về chi tiết, sự việc, nhân vật gợi lên hiện tượng cần bàn

3. Kết bài

– Nêu tầm quan trọng, ý nghĩa thực tế của hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 1

Từ câu chuyện “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu” đã khiến em nghĩ đến hiện tượng bạo lực học đường trong cuộc sống phổ biến hiện nay.

Ở một số trường học, ngoài cuộc sống vẫn thường xuất hiện những trường hợp các bạn yếu thế hơn bị các bạn mạnh về thể chất bắt nạt. Nhiều bạn coi chuyện bắt nạt những khác làm niềm vui, để chứng tỏ bản lĩnh của mình. Bạo lực trước hết gây tổn hại về thể chất nghiêm trọng cho những bạn chịu những trận đòn đó. Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh lớn về tinh thần. Nếu cứ làm ngơ, sợ bị ảnh hưởng đến bản thân mình mà không ra tay bênh vực những bạn bị bắt nạt thì không biết được rằng sau này chính bản thân mình cũng sẽ trở thành một trong số những nạn nhân ấy. Chỉ cần góp một chút công sức và ý chí của bạn, vấn nạn chung của xã hội này phần nào được giảm thiểu. Hãy lên tiếng khi thấy tình trạng này xảy ra, đứng ra bênh vực bạn yếu như chú Dế Mèn dũng cảm trong câu chuyện. Đứng ra tố cáo những hành vi bắt nạt đó, đừng vì sự sợ hãi, hèn nhát mà bỏ qua.

Hãy nói và chia sẻ với nhau nhiều hơn thay vì dùng hành động. Hãy yêu thương lẫn nhau và đừng làm tổn thương nhau, khi ấy nạn bạo lực học đường chỉ còn là quá khứ thôi bạn nhé!

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 2

Trong học kì vừa qua, em đã đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ rất vui và thưởng cho em cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da. Câu chuyện về cái chết do ngộ độc váng dầu của chim hải âu Ken-ga đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của con người đối với môi trường sống trên Trái Đất

Em không thể quên được hình ảnh Ken-ga vùng vẫy, tuyệt vọng, toàn thân ngập trong lớp váng dầu: “Thứ chất lỏng dính như keo mà loài hải âu coi như tử thần màu đen của chúng giờ đây đang ép chặt đôi cánh vào mạng sườn của cô”. Con người đã vô tình để dầu tràn từ một con tàu nào đó ra vịnh. Điều này không chỉ xảy ra với vùng biểu nơi Ken-ga và đàn hải âu Hải Đăng Cát Đỏ sinh sống. Ở rất nhiều nơi khác biển đã bị ô nhiễm vì dầu tràn, rác thải nhựa, cánh rừng,… là môi trường sống của con người nhưng cũng là ngôi nhà chung của muôn loài.

Mỗi người cần làm gì để môi trường sống trên Trái Đất luôn trong lành và sự sống của mọi sinh vật được bảo vệ? Mùa hè vừa qua, khi đi biển, em đã cố gắng không dùng bao gói và ống hút bằng nhựa, không vứt rác ra bãi biển,… Ở nhà và ở trường, em luôn có ý thức cùng các bạn giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm năng lượng,… Mỗi người trong chúng ta cần cố gắng hạn chế xả rác, khí thải, hóa chất độc hại vào môi trường. Đó có lẽ là cách mà ai cũng có thể làm được và là cách ứng xử đúng đắn nhất vì sự sống trên Trái Đất – hành tinh xanh.

Cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay đã mang đến cho em những hiểu biết thú vị về thế giới thiên nhiên, những bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự sẻ chia. Đặc biệt, cuốn sách đã giúp em hiểu rõ hơn những điều em có thể làm để góp phần gìn giữ ngôi nhà Trái Đất của chúng ta.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 3

Em rất yêu thích đọc sách nên trong phòng em có đặt một tủ sách với rất nhiều những cuốn sách hay và đủ thể loại. Trong số đó, có một quyển sách khá nhỏ và cũ những vẫn được giữ gìn cẩn thận. Đó chính là truyện cổ tích “Cô bé bán diêm” của nhà văn An-đéc-xen.

Câu chuyện kể về cuộc đời tội nghiệp và bất hạnh của cô gái nhỏ làm nghề bán diêm đáng thương. Bi kịch của cuộc đời em được đẩy lên đến đỉnh điểm là vào đêm giao thừa lạnh lẽo và kết thúc ở đó. Người đọc chắc chắn ám ảnh với hình ảnh một cô gái nhỏ bé, gầy gò, ăn mặc phong phanh, rách rưới trong đêm mưa tuyết lạnh giá. Đứa bé ấy còn nhỏ như vậy mà phải sống cuộc đời bất hạnh, chỉ toàn những lời mắng chửi của cha, phải đi bán diêm để mưu sinh. Em không chỉ phải đối mặt với sự lạnh lẽo của tiết trời mùa đông, mà còn phải đối mặt với sự lạnh giá của lòng người khi không ai chịu mua giúp em ấy một bao diêm. Vì sợ hãi người cha ở nhà sẽ đánh chửi, em không dám quay về và thu mình trong khe hở giữa hai bức tường rồi qua đời luôn ở đó. Hình ảnh em bé mỉm cười hạnh phúc trong giây phút ra đi vì được giải thoát, được về với bà, với Thượng Đế thân yêu đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

Sau khi đọc xong truyện, hình ảnh cô bé bán diêm tội nghiệp đã khiến em nghĩ đến rất nhiều những trẻ em khác trong cuộc sống. Bên cạnh những đứa trẻ được người thân thương yêu, quan tâm và chăm sóc, thì cũng có không ít em bị bỏ rơi, ghẻ lạnh, bạo hành bởi người thân và kẻ xa lạ. Bởi các em còn quá nhỏ, chưa có đủ khả năng để tự bảo vệ, chăm sóc mình, nên không thể phản kháng lại được những kẻ xấu xa độc ác đấy.

Đứng trước những điều đó, chúng ta nên hành động ngay từ hôm nay để bảo vệ tất cả những thiên thần nhỏ bé ấy. Bắt đầu từ việc tuyên truyền về quyền của trẻ em và chống các hành động bạo hành trẻ nhỏ. Tiếp theo là có những hình thức răn đe, xử phạt mạnh mẽ tới những đối tượng sử dụng bạo lực về tinh thần và thể xác với trẻ nhỏ. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức của mỗi người chúng ta. Nếu như mỗi người đều có tình yêu thương và bao dung người khác, thì sẽ chẳng phải lo lắng đến những mầm non nhỏ bé kia bị bỏ rơi, hành hạ. Để làm được như vậy, thì việc giáo dục ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là hết sức quan trọng.

Cuốn truyện “Cô bé bán diêm” đã gợi nên nhiều những cảm xúc và suy nghĩ khó tả. Đó là tình yêu thương, cảm thông cho những đứa trẻ bất hạnh, đồng thòi, căm phẫn với những kẻ lạnh lùng, vô cảm. Em mong rằng thế giới sẽ ngày càng lương thiện hơn để các em thiếu nhi luôn được sống hạnh phúc và êm ấm.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 4

“Chuyện con mèo dạy hải âu bay” của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da là một cuốn sách giàu giá trị.

Truyện gồm có tất cả là mười một chương. Nội dung kể về việc chú mèo mun Gióc-ba nuôi dưỡng một con chim hải âu tên là Lắc-ki. Mẹ của Lắc-ki bị ngộ độc váng dầu nên đã chết ngay sau khi để trứng. Vô tình chứng kiến cái chết của hải âu mẹ, Gióc-ba đã hứa ba ba điều: ấp quả trứng, bảo vệ và nuôi lớn hải âu con, dạy nó bay. Sau một thời gian sống với họ nhà mèo, Lắc-ki lớn nhanh như thổi. Gióc-ba đã nhờ họ nhà mèo tìm cách dạy Lắc-ki biết bay. Nhưng cậu không thích bay, cũng không thích làm hải âu. Một buổi chiều, Lắc-ki đi tới của tiệm tạp hóa và đụng độ với con đười ươi Mát-thiu. Nó chê Lắc-ki là bẩn thỉu, và họ nhà mèo nuôi Lắc-ki để ăn thịt. Biết chuyện, Gióc-ba nhẹ đã giải thích cho Lắc-ki hiểu ra mọi chuyện. Cuối cùng, họ nhà mèo đã bàn bạc để đưa đến quyết định sẽ nhờ con người giúp đỡ dạy Lắc-ki biết bay. Câu chuyện kết thúc khi Lắc-ki đã học được cách bay.

Truyện đã gợi cho người đọc về tình yêu thương trong cuộc sống. Chúng ta có thể dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn. Gióc-ba và họ nhà mèo, đã vượt qua sự khác biệt, để dành cho Lắc-ki một tình yêu thương sâu sắc. Và chính nhờ có tình yêu thương của Gióc-ba, Lắc-ki mới có thể sống và có dũng cảm sải cánh trên bầu trời. Tình yêu thương giống như một nguồn sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khác biệt.

Có thể thấy rằng, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” viết cho thiếu nhi, nhưng lại gửi gắm bài học sâu sắc, mà người lớn cũng cần phải suy ngẫm.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 5

Vào hôm qua, khi đi dạo ở nhà sách thì em đã mua một quyển sách rất thú vị. Đó chính là quyển sách “Dế mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài. Đặc biệt phần đầu tiên của quyển sách là phần “Bài học đường đời đầu tiên” vô cùng ý nghĩa.

Trong phần truyện, em rất ấn tượng với hình ảnh nhân vật Dế Mèn – một chàng dế thanh niên cường tráng, mạnh mẽ. Hình ảnh cậu ta vui vẻ và tự tin về bản thân mình khiến em rất thích thú và ngưỡng mộ. Dế Mèn rất siêng năng tập luyện nên mới có cơ thể khỏe mạnh, to lớn. Tuy nhiên, sau khi thấy những gì cậu ta đã gây ra cho Dế Choắt, em lại thấy ghét cậu ta lắm. Chỉ vì phút nông nổi bày trò nghịch dại trêu chị Cốc, mà Dế Mèn đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Từ đó, cậu mới nhận ra được sai lầm của mình và quyết tâm sửa chữa. Qua câu chuyện, em suy nghĩ nhiều về hiện tượng một số bạn trẻ hiện nay có cách hành xử nóng nảy và bồng bột, không suy nghĩ cẩn thận để dẫn đến hậu quả đau lòng.

Đó là những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường cùng với sự tò mò, thích thú với thế giới của những người trưởng thành ngoài kia. Chỉ vì sự hiểu kì mà các bạn ấy đã xem, đã làm và đã thử những điều cấm kị, không nên. Hay những bạn học sinh vì tính kiêu căng, muốn khẳng định bản thân mình mà đã có hành vi bắt nạt bạn học, gian lận trong thi cử, trốn học… Những hành động đó là sai trái nhưng các bạn ấy chỉ vì một phút bồng bột nên đã thực hiện, gây nên những hậu quả ảnh hưởng đến bản thân về sau. Nếu nhẹ thì bị bạn bè xa lánh, còn nặng hơn thì bị phạt kỉ luật và ghi vào học bạ. Thậm chí nặng hơn nữa là có bạn bị đình chỉ, thôi học. Những tình huống ấy vô cùng đáng tiếc, đáng thương bởi những hành động ấy khiến cả tương lai phía trước có vết đen khó xóa bỏ.

Từ đó, chúng ta cần phải quan tâm hơn và có các biện pháp cụ thể giúp hạn chế tình trạng các bạn trẻ có hành động nóng nảy, bồng bột thiếu suy nghĩ. Quan trọng nhất chính là sự giáo dục của nhà trường và gia đình. Tăng cường tuyên truyền các bài tập đạo đức cho thanh thiếu niên. Đồng thời có hình thức xử phạt, răn đe cho các bạn ấy biết điều gì là không nên thử và không nên làm. Để tránh các bạn bắt chước và dẫm vào vết xe đổ của một số bạn khác.

Tóm lại, cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu kí” thực sự là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Qua truyện, em đã hiểu được rằng mình phải cẩn trọng, không được kiêu căng, hống hách rồi có những hành động bồng bột và sai lầm. Không những thế, em càng thêm mong chờ về những điều thú vị khác ở các chương sau ở cuốn sách.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 6

Một trong những cuốn sách tâm đắc nhất với tôi là “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai A. Ostrovsky. Với nhân vật Pavel, tác giả đã đặt ra một vấn đề trong cuộc sống về ý chí nghị lực, nhiệt huyết tuổi trẻ mãnh liệt và lòng yêu nước sâu đậm của con người.

Tác phẩm kể về cuộc đời của Pavel Korchagin (thường được gọi là Pavlusha, Pavka) – một thanh niên trưởng thành trong khi điều kiện đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Anh chơi thân với một cô bạn gái tên là Tonya, mà sau này trở thành người yêu. Tonya là một cô gái xinh xắn, yêu Pavel với tất cả tình cảm ban đầu trong trắng ngây thơ của một thiếu nữ mới lớn. Tình cảm của hai người có lẽ sẽ rất đẹp và trọn vẹn nếu như không có chuyện Pavel đi theo tiếng gọi của lý tưởng giai cấp lúc đó. Đó là ý tưởng muốn cống hiến sức trẻ của mình phục vụ cho Tổ quốc, cho cách mạng. Tonya rất yêu Pavel nhưng không thể đợi anh, hay đúng hơn là không dám “yêu một lý tưởng”. Đặc biệt là khi gia đình của cô lại thuộc giai cấp tư sản. Pavel từng nói với cô rằng: “Anh trước hết là người của Đảng – sau đó mới là người của em và những người thân khác. Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”. Sau cùng, Pavel chia tay Tonya để đi theo lý tưởng của mình.

Pavel trong tác phẩm được khắc họa là một thanh niên giàu lý tưởng, được tôi luyện trong “lò lửa” của cách mạng. Tác giả Nikolai A. Ostrovsky đã gửi gắm qua tác phẩm này một lí tưởng sống cao đẹp: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”. Đó chính là điều mà mỗi thế hệ trẻ cần phải hướng tới dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Như vậy, “Thép đã tôi thế đấy” đã giúp tôi hiểu thêm về thế hệ thanh niên nước Nga trong cách mạng. Đồng thời, tác phẩm còn đặt ra cho thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước một bài học quý giá về lòng yêu nước, nhiệt huyết tuổi trẻ và nghị lực trong cuộc sống.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 7

An-đéc-xen đã không dùng đôi cánh tưởng tượng để thoát li mà cúi sát xuống hiện thực khốc liệt của cuộc sống, để cảm thông và yêu thương những số phận bất hạnh, để nhận ra và trân trọng những ước mơ trong sáng, thánh thiện của con người. Ta thấy rõ được sự thờ ơ, vô cảm qua tác phẩm Cô bé bán diêm của An-đéc-xen.

Vô cảm chính là thái độ sống lạnh nhạt, thờ ơ đối với cuộc sống, với những người ở xung quanh chúng ta. Bản thân chúng ta không quan tâm, không có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và với người khác. Hiện nay khi đất nước ngày càng phát triển thì vô cảm càng dễ dẫn đến thành một loại bệnh. Cần phải tìm “phương thuốc” để chữa trị, xích gần hơn nữa tình cảm giữa người với người, phương pháp ấy sẽ xóa bỏ được lối sống lãnh đạm, thờ ơ này ở con người trong xã hội này. Căn bệnh vô cảm khi đã tồn tại trong con người thì sẽ ăn sâu, bám rễ không chịu buông. Mỗi người cần có cách thức, có phương pháp để hạn chế căn bệnh nguy hiểm có thể ăn mòn trái tim của mỗi người.

Truyện của An-đéc-xen khép lại nhưng lòng người đọc vẫn không nguôi băn khoăn, trăn trở, day dứt suy nghĩ về con người, cuộc đời, về tình người, tình đời. Nhà văn không né tránh hiện thực nghiệt ngã. Cô bé có tâm hồn trong sáng, thánh thiện ấy đã chết, chết trong chính đêm giao thừa, trong cái đói, cái rét hành hạ. Một năm mới sang hứa hẹn những khởi đầu mới nhưng cô bé đã kết thúc cuộc hành trình của mình tại chính ngưỡng cửa của năm mới. Chẳng có cơ hội, chẳng có tương lai nào cho em. Trước khi chết vì đói, vì rét, em đã chết vì chính sự lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn, ích kỉ của con người. Em không dám về nhà vì sợ những lời chửi mắng, đánh đập của bố, em trơ trọi, bơ vơ, tuyệt vọng chống chọi với cái giá rét trước ánh mắt vô cảm, thờ ơ của những người qua đường, em cô đơn, buồn tủi khi mọi người vui vẻ, hân hoan đón chào năm mới, em nằm đó trong những lời đàm tiếu vô tâm của mọi người. Em từ giã cõi đời, giã từ cuộc sống vì không ai thương em, không ai che chở, bảo vệ em. Cái chết của em mãi để lại nỗi xót thương, niềm day dứt như một câu hỏi ám ảnh trong lòng mỗi người: làm sao để không bao giờ trên mặt đất này còn có những trẻ em bất hạnh như cô bé bán diêm ?

Truyện nhẹ nhàng, dung dị nhưng đặt ra những vấn đề vô cùng sâu sắc, thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp qua tấm lòng yêu thương, trân trọng con người của nhà văn. Cái kết truyện như một câu hỏi đầy day dứt, như một lời đề nghị nhà văn gửi tới độc giả nhiều thế hệ, ở mọi phương trời về cách sống, về thái độ, tình cảm đối với những người xung quanh, nhất là những mảnh đời bất hạnh.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 8

Những cuốn sách gửi gắm những thông điệp thật giá trị và nhân văn. Một trong những cuốn sách mà tôi yêu thích nhất là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nội dung của cuốn sách là những dòng nhật ký xoay quanh cuộc sống thường ngày và tâm tư của cậu bé Thiều – mười ba tuổi. Cậu sống ở một vùng quê nghèo, cùng với một người em trai tên Tường – một cậu bé dễ thương, hiền lành, bao dung. Thiều vốn là một người hướng ngoại, hay bày trò nghịch ngợm và thường rủ em trai chơi cùng. Nhưng sau đó, khi bị ba phát hiện, cậu thường để em trai chịu đòn thay. Nhưng sâu trong thâm tâm, cậu vẫn rất yêu em trai của mình.

Truyện cũng mở ra mối quan hệ giữa hai anh em và những người dân trong ngôi làng, gồm cả người thân và những người bạn cùng lớp. Thiều nhận ra mình có tình cảm với Mận – cô bé xinh xắn, học chung lớp nhưng hơn cậu một tuổi. Biến cố xảy ra khi căn gác nhà Mận bốc cháy, gia đình Thiều đã giúp đỡ Mận và đưa cô bé về sống cùng. Tuy nhiên, sự thân thiết của Tường và Mận khiến cho cơn ghen trong Thiều tăng theo thời gian. Khi mùa lũ đến, cả làng chìm trong nước. Đến khi nước rút, người dân phải đối mặt với hậu quả là mất mùa, đói kém. Cùng lúc đó, sự hẹp hòi và đố kỵ trong Thiều được đẩy lên cao, cậu khiến cho em trai mình bị thương nặng, không thể ngồi dậy được. Thiều nhận ra lỗi lầm và vô cùng hối hận. Cậu làm việc nhà, chăm sóc và ở bên cạnh trò chuyện với em trai. Một hôm, Thiều mừng rỡ khi Tường ngồi dậy được và kể cho mình nghe bí mật về công chúa. Thiều tình cờ phát hiện ra bí mật về công chúa và kể cho Tường nghe. Với mong muốn gặp được Nhi, Tường đã có thể đi lại. Cuốn sách có một kết thúc mở, nhưng khá trọn vẹn.

Cuốn sách đã gợi ra cho người đọc những suy nghĩ về tình cảm gia đình, đặc biệt là tình anh em giữa Thiều và Tường. Dù Thiều có đối xử chưa tốt với em nhưng Tường vẫn luôn thương anh và lo lắng cho anh. Khi đi chơi về, bị ba đánh, Thiều thì vắt chân lên cổ bỏ chạy, còn Tường ở lại chịu trận thay cho anh trai. Tường thay anh làm hết các công việc trong nhà chỉ vì nghe mẹ bảo “để yên cho anh hai học bài”. Chi tiết cảm động nhất có lẽ là khi thấy anh trai bị bạn đánh, Tường đã giúp anh trả thù nhưng lại tự mình chịu đòn. Không chỉ vậy, những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống của Thiều cũng gợi ra một tuổi thơ đầy hồn nhiên, sôi động. Những trò chơi như bắn bi, chọi gà, nhảy dây… chắc hẳn mỗi đứa trẻ nào cũng đã từng chơi. Hình ảnh một vùng quê thanh bình, tươi đẹp cũng gợi cho người đọc cảm xúc đẹp đẽ.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một cuốn sách thú vị, hấp dẫn và giàu giá trị.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 9

Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen đã phác họa nên một bức tranh đầy thương cảm với số phận, cảnh ngộ của cô bé bán diêm. Thông qua hình ảnh của cô bé bán diêm, nhà văn không chỉ khơi dậy trong chúng ta sự cảm thương sâu sắc với số phận của cô bé mà còn đề cập tới vấn đề tình người trong cuộc sống.

Trong xã hội kia, đâu phải chỉ riêng có một cô bé bán diêm khốn khổ, bất hạnh mà còn vô số những hoàn cảnh bất hạnh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên nhà văn đã khéo léo xây dựng nên cảnh ngộ của em và kết thúc với bi kịch đầy nghiệt ngã. Cô bé bán diêm, phải đi bộ khắp các con phố để bán những bao diêm, ngày nào cũng như ngày nào, em chẳng những không được đi học, được vui chơi mà còn phải lao động vất vả, do chính người cha vô dụng bắt em phải làm.

Cả một ngày em phải chịu cái rét, cái đói, tới đêm cũng chưa có cái gì vào bụng, em sợ về nhà, em không dám về nhà vì ngày hôm đó em không bán được bao diêm nào, nếu em về sẽ bị cha đánh. Giữa đêm giao thừa mọi người đều quây quần bên nhau trong những căn nhà ấm cúng, trang hoàng, ăn những bữa tiệc cuối năm bên những người thân yêu nhất. Ấy vậy mà trên vỉa hè nơi xó tường kia, em lại phải chịu đói, chịu rét một mình, cô độc và lạnh lẽo. Chẳng có gì để ăn, chẳng có chỗ để ở, và cũng chẳng được sưởi ấm. Bởi vậy ta mới thấy, tình người trong hoàn cảnh đó mới ái ngại làm sao, mọi người dường như chỉ biết quan tâm và lo lắng cho hạnh phúc của mình mà quên đi những đồng loại, những hoàn cảnh khó khăn đang mong chờ họ ra tay giúp đỡ.

Cô bé bán diêm đã chết, ngay giữa đêm giao thừa hôm đó, thật xót xa và đáng thương khi em đã phải chết một cái chết nghiệt ngã. Từ cái chết của cô bé bán diêm, nhà văn muốn chúng ta phải thực sự nhìn nhận và thức tỉnh về tình người. Ở đâu đó và ở ngay trong hoàn cảnh của cô bé bán diêm đã không có sự hiện hữu của tình cảm giữa con người với con người, không một ai quan tâm, hay xót thương cho em, từng dòng người cứ đi qua, thờ ơ, lạnh lùng.

Đó chính là phản ánh về chính chúng ta trong xã hội này, còn biết bao em nhỏ mồ côi cha mẹ, không người thân thích đang rong ruổi kiếm miếng ăn qua ngày, biết bao gia đình hoàn cảnh khốn khổ không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc. Chúng ta phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với họ, là một thành phần của xã hội, chúng ta cần giúp đỡ nhau để cùng tồn tại và phát triển. Giống như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Những số phận ấy không may mới phải chịu cảnh bất hạnh, chúng ta may mắn hơn họ, chúng ta phải biết cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ họ để cuộc sống này thêm phần tốt đẹp hơn, đó là điều ý nghĩa nhất mà trong tình cảm giữa con người với con người nên có.

Truyện “Cô bé bán diêm” chính là khơi dậy lòng nhân ái, bao dung và nhân hậu, biết cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình đối với số phận và cuộc đời của những người như cô bé bán diêm.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 10

Ngày hôm qua, khi đi dạo ở nhà sách thì em đã mua được một cuốn sách rất tuyệt. Đó là quyển sách Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Phần đầu tiên của quyển sách là phần Bài học đường đời đầu tiên vô cùng ý nghĩa.

Đọc phần truyện Bài học đường đời đầu tiên, em đã rất ấn tượng với hình ảnh nhân vật Dế Mèn – một chàng dế thanh niên cường tráng, mạnh mẽ. Hình ảnh cậu ta vui vẻ và tự tin về bản thân mình khiến em rất thích và ngưỡng mộ. Bởi Dế Mèn rất siêng năng luyện tập nên mới có cơ thể khỏe mạnh như vậy. Nhưng sau khi thấy những gì cậu ta gây ra cho Dế Choắt, em lại có phần ghét cậu ta lắm. Chỉ vì một phút nông nổi bày trò nghịch dại trêu chọc chị Cốc, mà Dế Mèn đã gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt. Cũng từ đó, cậu ấy mới nhận ra được sai lầm của mình và quyết tâm sửa chữa. Qua câu chuyện ấy, trong em dấy lên những suy nghĩ về hiện tượng một số bạn trẻ hiện nay có cách hành xử nóng nảy và bồng bột, không suy nghĩ cẩn thận để dẫn đến hậu quả đau lòng.

Đó là những bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường với sự tò mò, thích thú với thế giới của người trưởng thành ngoài kia. Các bạn ấy đôi khi chỉ vì sự hiếu kì mà đã xem, đã làm, đã thử những điều cấm kị và không nên. Hay những bạn học sinh vì tính kiêu căng, nóng nảy, muốn khẳng định bản thân mình mà đã có hành vi bắt nạt bạn học, gian lận trong thi cử, trốn học… Những hành động ấy là sai trái nhưng các bạn ấy vì một phút bồng bột nên đã thực hiện, gây nên những hậu quả ảnh hưởng đến bản thân về sau. Nhẹ thì bị bạn bè xa lánh, nặng thì bị phạt kỉ luật, bị ghi vào học bạ. Nặng hơn nữa, có bạn đã bị đình chỉ, thôi học, thậm chí là bị tạm giam, đưa đến trại cải tạo. Những tình huống ấy vô cùng đáng tiếc và đáng thương. Bởi những hành động xốc nổi ấy đã khiến cả tương lai phía trước của các bạn có một vết đen khó mà xóa bỏ.

Từ đó, chúng ta cần quan tâm hơn và có các biện pháp cụ thể giúp hạn chế tình trạng các bạn trẻ có hành động nóng nảy, bồng bột thiếu suy nghĩ. Trước hết và cũng là quan trọng nhất chính là sự giáo dục của nhà trường và gia đình. Sau đó, nên tăng cường tuyên truyền về các bài học đạo đức cho thanh thiếu niên như qua các ca khúc, bộ phim, truyện tranh… Đồng thời có hình thức xử phạt, răn đe để các bạn ấy biết điều gì là không nên thử và không nên làm. Để tránh các bạn bắt chước, dẫm vào vết xe đổ của một số bạn khác.

Cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu kí thực sự là một cuốn sách hay và ý nghĩa. Tuy chỉ mới đọc chương đầu mà em đã vỡ ra được cho mình bài học giá trị. Em hiểu được rằng, mình phải cẩn trọng, không được kiêu căng, hống hách rồi có những hành động bồng bột, sai lầm. Cùng với đó, em càng thêm mong chờ về những điều thú vị khác ở các chương sau của cuốn sách này.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 11

“Cô bé bán diêm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà văn An-đéc-xen. Truyện đã nói đến tình yêu thương và sự vô cảm trong xã hội.

Câu chuyện kể về một cô bé phải đi bán diêm trong đêm giao thừa lạnh giá. Cô bé mồ côi mẹ và ngay cả bà nội cũng vừa mới qua đời. Em không dám về nhà vì nếu không bán được diêm thì sẽ bị bố đánh. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Những vị khách qua đường đều rảo bước rất nhanh, chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em, chẳng ai bố thí cho em chút đỉnh. Sự vô cảm của mọi người xung quanh khiến cô bé càng trở nên đáng thương.

Qua lạnh, cô bé đã nép vào một góc tường, quẹt một que diêm để sưởi ấm. Lần thứ nhất, cô bé ước có lò sưởi – mong muốn sự ấm áp. Lần thứ hai, cô bé ước một căn phòng có bàn ăn, trên bàn có ngỗng quay – mong muốn được no bụng. Tiếp đến lần thứ ba là mong muốn có cây thông Noel – mong muốn được đón giao thừa như mọi người. Đến lần thứ tư, cô bé mong ước được gặp lại bà, đó là mong muốn được che chở, yêu thương. Cuối cùng cô bé bán còn lại – để gặp lại bà và đi theo bà đến nơi hạnh phúc. Những mong muốn của cô bé là hoàn toàn chính đáng.

Nhưng đến cuối cùng, cô bé bán diêm phải chịu một cái chết thương tâm ở một xó tường lạnh lẽo. Cái chết này đã tố cáo một xã hội với những con người vô cảm, lạnh lùng. Nhưng hình ảnh cô bé khi chết đã được nhà văn miêu tả có đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười nhưng em đã chết cóng. Nhà văn An-đéc-xen đã xây dựng hình ảnh cô bé bán diêm khi chết nhưng vẫn mỉm cười – nụ cười khi được đoàn tụ với bà được tác giả tưởng tượng nhằm giảm bớt nỗi đau cho câu chuyện. Cái kết này đã phản ánh được ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc của con người. Đó chính là tấm lòng nhân đạo của nhà văn.

Như vậy, “Cô bé bán diêm” là một tác phẩm giàu ý nghĩa nhân văn, để lại ấn tượng sâu sắc cho mỗi người đọc.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 12

Trong tủ sách của em, có một quyển sách khá nhỏ và cũ nhưng vẫn được giữ gìn cẩn thận. Đó là quyển truyện cổ tích Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen.

Câu chuyện kể về cuộc đời tội nghiệp và bất hạnh của một cô gái nhỏ làm nghề bán diêm. Bi kịch của cuộc đời em đã được đẩy đến đỉnh điểm vào đêm giao thừa lạnh lẽo, rồi kết thúc ở đó. Hình ảnh một bé gái nhỏ bé, gầy gò, ăn mặc rách rưới, phong phanh trong đêm mưa tuyết lạnh giá trong tác phẩm khiến em vô cùng thương tiếc. Bé gái ấy còn nhỏ như vậy, nhưng lại phải sống một cuộc sống bất hạnh, toàn những lời mắng chửi, chì chiết của cha, phải đi bán diêm để mưu sinh. Em hông chỉ phải đối mặt với sự lạnh lẽo của tiết trời mùa đông tuyết phủ trắng xóa. Mà còn phải đối mặt với sự giá lạnh của lòng người khi không một ai chịu giúp em mua lấy một bao diêm. Sợ hãi người cha ở nhà sẽ đánh chửi, em thu mình trong khe hở giữa hai bức tường rồi qua đời ở đó. Giây phút ra đi, em mỉm cười hạnh phúc vì đã được giải thoát, được về với bà, về với Thượng Đế thân yêu của mình.

Cô bé bán diêm tội nghiệp đã khiến em nghĩ đến rất nhiều những trẻ em khác trong cuộc sống này. Bên cạnh những đứa trẻ được người thân thương yêu, quan tâm và chăm sóc. Thì cũng có không ít những em bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh, đánh đập, bạo hành bởi người thân và những kẻ xa lạ. Bởi các em còn nhỏ quá, chưa có đủ khả năng để bảo vệ và chăm sóc chính mình, nên không thể phản kháng lại những kẻ xấu xa độc ác đấy.

Chính vì vậy, em nghĩ rằng, chúng ta nên hành động ngay từ hôm nay, để bảo vệ tất cả những thiên thần nhỏ bé ấy. Trước hết, chính là từ việc tuyên truyền về quyền của trẻ em và chống các hành động bạo hành trẻ nhỏ. Tiếp đến là có hình thức răn đe, xử phạt mạnh mẽ những trường hợp can tâm sử dụng bạo lực về tinh thần, thể xác với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn chính là ý thức của mỗi người trong chúng ta. Chỉ cần mỗi người đều có tình yêu thương và bao dung với người khác, thì sẽ chẳng cần phải lắng lo đến việc những mầm non nhỏ bé kia bị bỏ rơi, hành hạ. Để được vậy, thì việc giáo dục ngay từ khi còn trên ghế nhà trường là việc vô cùng quan trọng.

Cuốn truyện Cô bé lọ lem đã gợi lên trong em những suy nghĩ và cảm xúc vô cùng khó tả. Đó là tình yêu thương, cảm thông với những đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh. Và là sự căm phẫn với những kẻ lạnh lùng, vô cảm, độc ác can tâm bỏ rơi, hành hạ cả em. Em mong rằng, rồi thế giới này sẽ ngày càng thiện lương hơn, để các em thiếu nhi luôn được sống hạnh phúc và êm ấm, không ai phải chị khổ, chịu đói rét, chịu lời mắng chửi như cô bé bán diêm cả.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 13

“Dế mèn phiêu lưu kí” là một tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Khi đọc truyện này, em vô cùng ấn tượng với trích đoạn “Bài học đường đời đầu tiên”. Hình ảnh Dế Mèn kiêu ngạo, ngông cuồng, gián tiếp gây ra cái chết của Dế Choắt đã khiến em không ngừng suy nghĩ về hiện tượng bắt nạt trong cuộc sống.

Trước hết, Dế Mèn nhận mình là tợn lắm “Dám cà khịa với tất cả mọi bà con trong xóm”. Chính bởi thế, Dế Mèn tự cho mình cái quyền được nạt dọa các con vật khác “tôi đã quát mấy chị Cào Cào ngụ ngoài đầu bờ […] Thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái, ghẹo anh Gọng Vó lấm láp vừa ngơ ngác dưới đầm lên”. Có thể thấy, những hành động của nhân vật này chính là biểu hiện sắc nét về hiện tượng bắt nạt.

Vậy, theo các bạn, thế nào là bắt nạt? Theo tôi, bắt nạt là việc một cá nhân cậy vào quyền thế, sức mạnh để dọa nạt, ăn hiếp ai đó. Để ám chỉ tệ nạn này, người xưa thường sử dụng câu nói “ma mới bắt nạt ma cũ”.

Ngày nay, bắt nạt không còn là hiện tượng mới mẻ trong xã hội mà trở nên vô cùng phổ biến. Trong mọi tình huống, mọi môi trường sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp vấn nạn tiêu cực ấy. Một số người thường cậy vào địa vị bản thân, thời gian gắn bó lâu năm để ăn hiếp người mới. Hoặc có cá nhân dùng lời lẽ khó nghe, hành vi bạo lực tấn công đối phương. Điều này đã để lại rất nhiều hậu quả. Người bị bắt nạt dễ bị tổn thương về thể chất, mang trong mình bóng ma tâm lí. Thậm chí, nạn nhân có thể mắc các bệnh như: trầm cảm, u uất,… Đây là điều mà không ai mong muốn xảy đến.

Bên cạnh những con người “cậy mạnh hiếp yếu”, vẫn còn vô vàn người tốt bụng và thiện lương. Họ mang trong mình tấm lòng nhiệt huyết, sự sẻ chia, đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh. Đồng thời, luôn thân thiện, hòa đồng, không có hành động kì thị hay xa lánh người yếu thế, kém may mắn.

Để xã hội trở nên tốt đẹp, văn minh, chúng ta cần loại bỏ tệ nạn bắt nạt ngay từ bây giờ. Mỗi người phải có suy nghĩ, nhận thức đúng đắn; tích cực trau dồi lối sống, tác phong chuẩn mực. Ngoài ra, hãy mạnh mẽ lên án, phê phán những cá nhân có hành vi bắt nạt, gây tổn hại đến tinh thần, thể chất của người khác.

“Dế Mèn phiêu lưu kí” không chỉ giúp em mở rộng hiểu biết về thế giới loài vật phong phú, đa dạng mà còn mang đến nhiều bài học bổ ích, ý nghĩa. Đó là việc sống yêu thương, đoàn kết, biết cho đi để nhận lại thay vì bắt nạt một ai đó. Từ đây, em luôn nhắc nhở bản thân phải sống đẹp, sống đúng như những thông điệp mà cuốn sách truyền tải.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 14

“Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể” là tác phẩm em vô cùng yêu thích. Hai tác giả Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê đã gửi gắm rất nhiều bài học ý nghĩa, thông điệp nhân văn qua cuốn sách này. Trong đó, có đề cập đến việc sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Đây là một thói quen, hiện tượng xấu, cần phải sớm thay đổi và từ bỏ.

Trong trích đoạn “Bài tập làm văn”, nhân vật “tôi” luôn tin tưởng vào bố của mình “Bố thật sự là rất khá”. Vì thế, cậu bé thường đợi bố tan làm rồi nhờ bố giúp bản thân làm bài tập. Chuyện chẳng có gì đáng nói cho đến khi ông hàng xóm ghé chơi và tranh luận cùng người bố về đề văn. Nhìn tình cảnh như vậy, “tôi” đã “hiểu rằng bài tập làm văn của tôi thì tốt nhất là tôi tự làm một mình”. Sau cùng, “tôi” đạt kết quả cao và được cô giáo khen “Bài viết rất cá tính, đề tài độc đáo”. Từ câu chuyện này, em nhận ra vẫn còn vô vàn cá nhân thường xuyên trông chờ, ỷ lại vào người khác. Đây là một thói quen không tốt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới con người.

Người có lối sống ỷ lại thường không chủ động giải quyết các vấn đề của bản thân mà luôn trông mong, chờ đợi người khác giúp đỡ hoặc làm giùm. Họ sống buông thả, không có trách nhiệm với mọi chuyện xung quanh.

Ngày nay, xã hội phát triển không ngừng, con người phải nỗ lực học hỏi để thích ứng với sự thay đổi của nhân loại. Nếu chỉ biết dựa dẫm, ỷ lại thì chúng ta sẽ giống như những “kí sinh trùng” – sống bám vào sinh vật khác. Từ đó, biến chính mình trở thành kẻ đi lùi, bị động, không thể tự hoàn thành công việc dù là đơn giản nhất. Dần dần, bản thân không những không có sự phát triển mà còn bị xã hội đào thải. Ngoài ra, việc sống ỷ lại, dựa dẫm sẽ làm cuộc sống ngày một thụ động, trì trệ. Đồng thời, gây ảnh hưởng lớn tới mọi người xung quanh. Không ai có thể mãi ở bên cạnh để giải quyết khó khăn giúp chúng ta. Cách tốt nhất là hãy tự suy nghĩ, tự sáng tạo và tự mình làm cho đạt được kết quả tốt.

Từng giây từng phút, thế giới đã và đang có vô vàn đổi thay. Là một công dân trong thời đại 4.0, mỗi người cần rèn luyện, bồi dưỡng lối sống chủ động, tích cực, không nên ỷ lại vào bất kì ai. Giống như nhân vật “tôi” kia, cậu bé đã tự làm bài tập về nhà. Nhờ đó, “tôi” đạt được điểm số cao. Đây chính là kết quả phản ánh đúng thực lực của cậu bé. Mong rằng, mỗi cá nhân sẽ tận dụng hết khả năng bản thân để giải quyết, hoàn thành các vấn đề nan giải. Khi thực sự quá khó khăn thì mới nhờ đến sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh.

Từ những câu chuyện dung dị, đời thường, hai tác giả Rơ-nê Gô-xi-nhi và Giăng-giắc Xăng-pê đã thành công trong việc truyền tải bài học ý nghĩa, sâu sắc tới các độc giả nhí toàn thế giới. “Nhóc Ni-cô-la: những chuyện chưa kể” sẽ mãi là cuốn sách được đặt ở vị trí nổi bật trên giá sách của em.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 15

Chiếc lá cuối cùng thuộc phần cuối của tác phẩm cùng tên của nhà văn người Mĩ O Hen-ri. Truyện là bài ca, ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh tình người giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại của cuộc sống. Đồng thời tác phẩm còn gửi gắm những thông điệp nghệ thuật ý nghĩa.

Trong tác phẩm gồm ba nhân vật chính: Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men, các nhân vật này được chia làm hai tuyến chính: Giôn-xi sống trong tuyệt vọng, đếm từng chiếc lá để chờ đến lúc mình lìa đời, cụ Bơ-men và Xiu ra sức chăm sóc và giúp đỡ Giôn-xi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo. Giôn-xi là một cô họa sĩ nghèo sống trong một nhà trọ tồi tàn ở ngoại ô, cô sống trong cảnh nghèo khổ và bệnh tật (bệnh sưng phổi), đây không phải là căn bệnh khó chữa, nhưng cô đã mất hết niềm tin vào cuộc sống nên bệnh tình ngày càng xấu đi, cô không buồn uống thuốc, chán nản, chỉ đếm những chiếc lá trên cây thường xuân. Khi chiếc lá cuối cùng rụng xuống cũng là lúc cô lìa xa cuộc sống này. Qua một đêm mưa gió vùi dập, khi chiếc mành cửa được kéo lên, cô vẫn thấy một chiếc lá bám trên tường gạch. Đó quả là một điều khó tin vì đêm qua mưa gió, bão tuyết lớn, vậy mà chiếc lá vẫn dũng cảm treo bám trên cành cây như vậy. Chính chiếc lá cuối cùng đã làm thay đổi suy nghĩ của Giôn-xi, giúp cô lấy lại được nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy, cô đã vượt qua bệnh tật, tiếp tục mang trong mình những ước mơ, hoài bão.

Xiu là bạn cùng phòng với Giôn-xi, cũng là một họa sĩ nghèo, trong những ngày bạn ốm, Xiu đã hết lòng thương yêu, chăm sóc: nấu cháo, lời nói dịu dàng, cử chỉ ân cần dỗ dành Giôn-xi mong cho bạn lấy lại tinh thần, bệnh tật sớm qua khỏi. Trong những ngày Giôn-xi ốm, điều cô lo sợ nhất chính là mở tấm mành cửa lên và thấy chiếc là cuối cùng đã rụng xuống. Vào đêm mưa gió, Xiu không thể ngủ được, cô lo sợ chiếc lá ngoài kia đã bị mưa gió cuốn đi và người bạn Giôn-xi sẽ rời xa mình mãi mãi. Bởi vậy, sáng hôm đó, khi nhận lệnh của Giôn-xi cô chán nản, tuyệt vọng, đầy lo lắng kéo tấm mành lên. Và cô đã vui biết nhường nào khi chiếc lá vẫn còn đó, cô nấu cháo, gọi bác sĩ đến khám bệnh cho Giôn-xi. Chính tình yêu thương, sự quan tâm chân thành của Xiu đã phần nào tiếp thêm động lực sống cho Giôn-xi.

Cụ Bơ-men chỉ xuất hiện thoáng qua trong tác phẩm, nhưng tấm lòng, sự hi sinh của cụ lại có ý nghĩa quan trọng nhất với Giôn-xi. Cụ Bơ-men là một họa sĩ già, đã ngoài sáu mươi tuổi, kiếm sống bằng cách ngồi làm mẫu vẽ cho các họa sĩ trẻ. Hơn bốn mươi năm trong nghề cụ chỉ có một khao khát tột cùng đó là vẽ được một kiệt tác. Khi biết được tâm trạng chán chường, tuyệt vọng của Giôn-xi cụ hết sức lo lắng và tìm cách cứu sống Giôn-xi. Tình yêu thương của cụ dành cho Giôn-xi thật sâu sắc và cao thượng. Trong đêm tối mưa to gió lớn cụ đã không quản gió lạnh, không lo nghĩ cho sức khỏe, tính mạng mình mà thức suốt đêm bí mật vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng để cứu sống Giôn-xi. Người họa sĩ già ấy đã quên mình vì người khác – một sự hi sinh thầm lặng, cao cả mà lớn lao.

Chiếc lá cuối cùng của cụ xứng đáng là một kiệt tác không chỉ vì nó giống chiếc lá thật đến nỗi khiến cả Giôn-xi và Xiu không nhận ra, mà nó còn chứa đựng niềm hi vọng sống. Chiếc lá được vẽ bằng cả tài năng và tấm lòng, sự hi sinh cao thượng của cụ Bơ-men. Đồng thời kiệt tác của cụ cũng chứa đựng thông điệp nghệ thuật giàu ý nghĩa: một tác phẩm nghệ thuật thực sự là tác phẩm được tạo ra để phục vụ con người. Tác phẩm được thuật lại bằng lối kể chuyện hấp dẫn, giàu kịch tính với những chi tiết được lựa chọn kĩ càng, đặc biệt là ở tình huống truyện đảo ngược hai lần. Giôn -xi từ chỗ tuyệt vọng, không còn niềm tin vào cuộc sống đến chỗ lấy lại niềm tin, khỏi bệnh và sống vui vẻ; cụ Bơ-men từ chỗ khỏe mạnh đến chỗ mất đi một cách đột ngột.

Nghệ thuật xây dựng nhân vật cũng rất thành công. Ba nhân vật có cảnh ngộ gần gũi, nhưng mỗi người đều có tính cách riêng. Kết thúc bất ngờ, giàu ý nghĩa tạo dư âm sâu đậm trong lòng người đọc. Với kết cấu truyện đầy kịch tính, bất ngờ tác phẩm đã cho thấy tình yêu thương cao cả có ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc đời. Ngoài ra cũng thấy được giá trị của một tác phẩm nghệ thuật chân chính sinh ra là để phục vụ, vì cuộc sống con người.

Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc – Mẫu 16

Nhắc đến nhà văn người Đan Mạch Han Cri-xti-an An-đéc-xen, em lại nhớ tới tác phẩm quen thuộc mang tên “Cô bé bán diêm”. Truyện đã để lại cho em niềm xót thương sâu sắc về tình cảnh đáng thương, tội nghiệp của cô bé vào đêm giao thừa. Đồng thời, khơi gợi trong em những suy tư trước vấn đề: bảo vệ trẻ em trước nạn bạo hành.

Đêm tối giá lạnh, tuyết rơi đầy trời, mọi người hối hả đi lại trên con đường trắng xóa. Ai cũng nhanh chóng trở về tổ ấm, duy chỉ có em bé bán diêm “ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà” và hứng chịu cái buốt lạnh, khắc nghiệt của mùa đông. Em bé không dám về nhà bởi “nếu không bán được ít bao diêm, hay không ai bố thí cho một đồng xu nào đem về; nhất định là cha em sẽ đánh em”. Như vậy, chính điều này đã gián tiếp đẩy em bé đến cái chết thương tâm.

Chỉ với một chi tiết nhỏ, nhà văn An-đéc-xen khéo léo gợi lên hiện tượng xấu xí tồn tại trong xã hội từ rất lâu: bạo hành trẻ em. Đây là việc một cá nhân nào đó dùng những lời nói, hành động tiêu cực tác động đến thể chất, tinh thần trẻ nhỏ. Thật không khó để bắt gặp vấn nạn nan giải này trong cuộc sống hiện nay. Hàng giờ, hàng ngày, báo chí, phương tiện đại chúng thường đưa tin trẻ nhỏ bị bạo hành ngay tại gia đình, bị sử dụng như một công cụ để mưu sinh, kiếm sống cho các đối tượng xấu.

Theo UNICEF, tình trạng bạo lực trẻ em ở nước ta vẫn còn phổ biến “68,4% trẻ em trong độ tuổi 1 – 14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình”. Đây hoàn toàn là những con số biết nói, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc bảo vệ trẻ em. Dù nhà nước đã ban hành nhiều bộ luật nhằm ngăn chặn vấn nạn bạo lực nhưng nhiều bậc phụ huynh, cha mẹ vẫn bất chấp luật lệ, tiếp tục dùng sức mạnh để “giáo dục”, trừng phạt con cái. Từ đây, vô vàn hậu quả đáng buồn đã xảy đến. Trẻ bị tổn thương nặng về sức khỏe, thể chất. Thậm chí, gây nên những rối loạn tinh thần, để lại bóng ma tâm lí đeo bám đến hết cuộc đời.

Chính vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta nên chung tay loại trừ, xóa bỏ hiện tượng bạo hành trẻ nhỏ. Người lớn cần tự nhận thức được lời nói, hành vi của chính mình, không nên giải quyết vấn đề bằng vũ lực. Các bậc phụ huynh hãy thường xuyên trò chuyện, lắng nghe và tâm sự để thấu hiểu nguyện vọng, mong muốn của con cái. Khi thấy trẻ nằm trong nguy cơ bị bạo hành, mỗi người cần báo ngay cho cơ quan, ban ngành có thẩm quyền. Hãy cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh – nơi mà trẻ được thỏa sức vui chơi, học tập.

Mặc dù không khai thác quá nhiều về bạo hành trẻ em nhưng nhà văn An-đéc-xen đã rất thành công trong việc gửi gắm, nhắn nhủ tới bạn đọc những thông điệp nhân văn thông qua “Cô bé bán diêm”. Mong rằng, tất cả trẻ em trên thế giới sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp, đầy ắp tiếng cười.

*****

Trên đây là 16 Bài mẫu Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc hay nhất do thầy cô trường Ngô Thì Nhậm biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều ý tưởng mới lạ để hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình với điểm số cao nhất.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button