Lớp 6

Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng

Đề bài: Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng

y nghia cua hinh tuong thanh giong trong truyen thuyet thanh giong

Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng
 

I. Dàn ý Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng (Chuẩn)

1. Mở bài

– Truyền thuyết Thánh Gióng là một trong số những truyền thuyết quen thuộc, thường được gợi nhắc trong dân gian Việt Nam, kể về vị anh hùng có công chống giặc n xâm lược, với nhiều tình tiết hoang đường, kì ảo, hấp dẫn.
– Hình tượng nhân vật Thánh Gióng bộc lộ được những khát khao, ước vọng, và phẩm chất của con người Việt Nam xưa trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

2. Thân bài

– Thánh Gióng tập hợp đủ các phẩm chất của một người anh hùng kiệt xuất, tài năng nổi trội, tầm vóc vĩ đại và xuất thân phi thường, trong bối cảnh đất nước bị giặc ngoại xâm giày xéo, chàng chính là người gánh vác trọng trách bảo vệ non sông.
– Phản ánh về khát vọng, mơ ước của nhân dân ta về một hình tượng anh hùng bất tử, hoàn hảo, là niềm tin của nhân dân ta vào thần phật…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng tại đây.
 

II. Bài văn mẫu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng

Trong nền văn học dân gian Việt Nam phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, nổi trội nhất có lẽ phải kể đến sự góp mặt của hàng nghìn truyền thuyết khác nhau nhằm giải thích nguồn gốc của các sự vật, sự việc trong quá khứ, đồng thời thể hiện đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam ta từ thuở xa xưa. Truyền thuyết Thánh Gióng cũng là một trong số những truyền thuyết quen thuộc, thường được gợi nhắc trong dân gian Việt Nam, kể về vị anh hùng có công chống giặc n xâm lược, với nhiều tình tiết hoang đường, kì ảo, hấp dẫn. Đồng thời thông qua đó hình tượng nhân vật Thánh Gióng cũng bộc lộ được những khát khao, ước vọng, và phẩm chất của con người Việt Nam xưa trong công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước.

Truyền thuyết xảy ra trong bối cảnh đất nước bị giặc n tàn phá, xâm lược, điều cấp thiết lúc này đây chính là tìm được một người tài đứng ra gánh vác trọng trách cùng nhân dân. Đó phải là một người anh hùng kiệt xuất, với tài năng nổi trội, tầm vóc vĩ đại và xuất thân phi thường, Thánh Gióng ra đời đã thỏa mãn đủ tất cả các điều kiện trên. Những chi tiết kì lạ về sự ra đời của Thánh Gióng không chỉ nhằm mục đích tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện mà mục đích chính là để thần thánh hóa các bậc anh hùng, là phản ánh về khát vọng, mơ ước của nhân dân ta về một hình tượng anh hùng bất tử, hoàn hảo, là niềm tin của nhân dân ta vào thần phật.

Thánh Gióng lên ba vẫn không biết nói, biết cười nhưng khi nghe sứ giả truyền tin thì lập tức đòi sứ giả vào gặp mặt là chi tiết thể hiện hình tượng cao quý của người anh hùng, Thánh Gióng là con người có sứ mệnh chấn hưng, bảo vệ đất nước, chỉ khi thật sự cần thiết nhân vật này mới xuất hiện. Điều đó còn ngầm thể hiện lòng yêu nước của nhân dân ta, tình cảm ấy luôn ấp ủ và ẩn giấu sâu trong mỗi trái tim của con cháu Lạc Hồng, một khi đất nước lâm nguy thì tấm lòng ấy ngay lập tức sôi nổi và đầy nhiệt huyết, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi đất nước.

Chi tiết Thánh Gióng lớn nhanh như thổi, cơm gạo cha mẹ không đủ nuôi, cả làng bèn góp gạo cho chàng ăn lại thể hiện một truyền thống vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay, đó là tinh thần đoàn kết, một lòng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, vốn đã là truyền thống từ bao đời nay. Là sự phối hợp, là động lực mà nơi hậu phương quê nhà gửi đến các bậc anh hùng đã đang và sắp lâm trận nơi trận mạc xa xôi. Đồng thời qua đó ta cũng cảm nhận được niềm hy vọng, khát khao mãnh liệt về sự lớn mạnh của Thánh Gióng và quân đội nước nhà, là niềm mong ước đất nước sớm được yên bình của nhân dân Việt Nam. Hình tượng Thánh Gióng còn nhằm khẳng định một chân lý rằng người anh hùng luôn sinh ra từ trong chính cái nôi của nhân dân, được nhân dân nuôi lớn, và mang sứ mệnh bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước. Suy rộng ra thì hình tượng Thánh Gióng còn chính là đại diện cho sức mạnh tổng hợp của nhân dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, mạnh mẽ, kiêu hùng và có sức mạnh phi thường xứng với cái danh con cháu Rồng, Tiên.

Chi tiết roi sắt gãy Thánh Gióng nhổ tre bên đường thay roi đánh giặc, càng khẳng khẳng định sức mạnh phi phàm của nhân vật, đồng thời là chi tiết thể hiện sự thông minh, nhanh nhạy của bậc anh hùng trong chiến đấu. Gián tiếp ca ngợi sự sáng tạo và bản lĩnh của nhân dân ta trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, một khi quân thù bén mảng bờ cõi, thì dù là ngọn cỏ, gốc tre cũng trở thành thứ vũ khí sắc bén nhất, quyết quét sạch quân thù mời thôi.

Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt về trời, là niềm tin của nhân dân về sự bất tử của người anh hùng giết giặc, trở thành một vẻ đẹp tinh thần sâu sắc trong tâm hồn của nhân dân. Nhấn mạnh một điều rằng, người anh hùng bảo vệ đất nước vĩnh viễn còn sống mãi trong tâm trí của nhân dân, được nhân dân đời đời ghi ơn, tưởng nhớ. Đồng thời cũng là bài học quý giá có ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ trẻ về lòng yêu nước và sự kiên cường, bất khuất trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.

Truyền thuyết Thánh Gióng là một truyền thuyết hay và đặc sắc, dẫu chỉ là hư cấu dựa trên các sự kiện lịch sử, nhưng nó lại mang trong mình nhiều ý nghĩa thông qua hình tượng nhân vật Thánh Gióng. Thể hiện lòng yêu nước sâu sắc, kiên quyết chống giặc ngoại xâm, sức mạnh phi thường và tầm vóc vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc. Qua đó còn thể hiện niềm tin, khát khao về một hình tượng anh hùng đẹp đẽ, hoàn hảo, là niềm mơ ước của nhân dân về một cuộc sống yên bình, dưới sự bảo vệ của thánh thần.

——————-HẾT———————-

Cùng với bài Ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết Thánh Gióng, các em có thể tự trau dồi kiến thức văn bản thông qua việc tham khảo: Phân tích nhân vật Thánh Gióng, Kể về giấc mơ được gặp Thánh Gióng của em, Phân tích ý nghĩa của những chi tiết hoang đường, kì ảo trong truyện Thánh Gióng, Chỉ ra và phân tích những chi tiết đặc biệt trong truyền thuyết Thánh Gióng.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button