Lớp 10

Từ Hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thúy Kiều như thế nào?

Đề bài: Từ Hải bộc lộ lí tưởng anh hùng của mình qua lời nói với Thúy Kiều như thế nào?

tu hai boc lo li tuong anh hung cua minh qua loi noi voi thuy kieu nhu the nao

Bài làm:

Bài mẫu số 1:

Truyện Kiều là một tác phẩm được coi là đặc sắc nhất văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm viết về Thúy Kiều, một người con gái vô cùng xinh đẹp tài hoa nhưng lại có một vận mệnh vô cùng bi kịch. Trải qua bao sóng gió trong cuộc đời và gặp được không ít người tri kỉ nhưng có lẽ người anh hùng Từ Hải là người khiến Kiều trân trọng nhất cuộc đời mình. Chàng và nàng là “tâm phúc tương tri”, không chỉ là bạn, là vợ chồng đơn thuần mà còn là tri kỉ, là tâm phúc của nhau. Vậy nên trong một lần từ biệt nàng lúc ra đi, Từ Hải đã bộc bạch hết tâm tư, lý tưởng anh hùng cả đời mình theo đuổi với Kiều.

Nàng Kiều là nhân vật trung tâm của cả tác phẩm. Cuộc đời của nàng là một chuỗi những ngày tháng đau khổ, buồn thương. Thế nhưng, cuộc đời Kiều cũng được tô điểm bởi những nét chấm phá vô cùng đặc sắc, đặc biệt. Một là chàng Kim Trọng “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, hai là chàng Thúc Sinh si tình mê đắm và không thể thiếu đó là người anh hùng Từ Hải oai phong “râu hùm, hàm én, mày ngài” đã hết lòng vì Kiều. Tuy kết cục của Từ Hải có đau xót nhưng chàng đã là niềm an ủi vô cùng to lớn trong cuộc đời thăng trầm của Kiều. Chàng và nàng đã trở thành “tâm phúc tương tri” của nhau, chia sẻ với nhau bao điều trong cuộc sống. Thế nhưng, phận là nữ nhi, nàng cũng chỉ hiểu biết một phần nhỏ trong những lý tưởng to lớn của chàng. Chỉ đến khi chuẩn bị cất bước ra đi vì sự nghiệp cao cả của mình, chàng mới bộc bạch hết lý tưởng anh hùng của mình rõ ràng để nàng hiểu.

Cuộc đời đã đẩy đưa Kiều vào nhiều cuộc chia ly đau khổ: Cuộc tiễn biệt với Kim Trọng, chia ly với Thúc Sinh, chia tay với Từ Hải. Nhưng nếu với Kim Trọng là cuộc chia ly không lời, với Thúc Sinh là cuộc tiễn biệt của người yêu, người tình lang thì với Từ Hải, cuộc biệt ly với nàng cũng là lúc chàng mở lòng mình nói hết với nàng những lý tưởng sâu kín. Cuộc chia ly của Kiều với Từ Hải cũng là cuộc chia ly của trang anh hùng với “tâm phúc tương tri” của mình. Chàng rằng:

“Từ rằng: tâm phúc tương tri
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng rợp đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Những câu nói của chàng Từ đã bộc lộ một quyết tâm không gì lay chuyển được. Đối với chàng, đây là một công việc to lớn, tất yếu, hàng đầu cần phải làm. Vậy nên khi nói xong, giãi bày xong với Kiều, chàng “quyết lời dứt áo ra đi”. Ở đây, Nguyễn Du đã miêu tả một cách rất ước lệ, việc Từ Hải ra đi chỉ là “động lòng bốn phương”. Ông không chỉ rõ ra cái “động lòng ” kia là vì việc gì, chỉ biết việc ấy vô cùng quan trọng, nó đã khiến Từ Hải buộc lòng phải rời xa Kiều một thời gian dù hai người đang rất mặn nồng, nặng tình với nhau:

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”

Nguyễn Du đã chỉ rõ ở đây, Từ Hải là bậc trượng phu, vậy nên chàng mới “động lòng” ra đi vì việc lớn, tung hoành, vẫy vùng “bốn phương”. Tuy rằng cuộc sống của chàng đang vô cùng viên mãn, hạnh phúc, nhưng chàng vẫn muốn dứt áo ra đi để thực hiện niềm mong ước, việc trọng đại của mình. Và Kiều đã một lòng một dạ muốn xin được theo chồng, để cùng nhau gánh vác khó khăn. Thế nhưng, thân là nam nhi chí lớn phải gây dựng được sự nghiệp, được vẫy vùng cho thỏa chí trai, so với công việc chàng đang làm thì việc xin theo của Kiều chỉ là việc “nữ nhi thường tình” nên chàng đã dứt khoát từ chối. Chàng đã bộc lộ phản ứng của một người anh hùng chân chính muốn gánh vác mọi khó khăn, muốn dựng lên sự nghiệp để người phụ nữ của mình được hưởng hạnh phúc, vinh hoa phú quý. Bằng chứng là chàng đã hẹn nàng:

“Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng rợp đất bóng tinh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thương
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Đối với Từ Hải, Kiều đã trở thành một người “tâm phúc tương tri” đối với chàng, chàng mong muốn nàng sẽ “thoát khỏi nữ nhi thường tình”, là những điều thông thường mà người phụ nữ hay để ý. Chàng ra đi vì nghĩa lớn, sao có thể mang nàng theo bên mình để nàng gặp nguy hiểm, gian truân. Chàng chỉ hẹn nàng ngày trở lại sẽ là “mười vạn tinh binh”, với cờ, quạt, chiêng trống. Những lời chàng nói ra là những lời của người anh hùng chí lớn, bậc trượng phu. Bởi nó chứa đựng trong đó hào khí, nhiệt huyết, sự đàng hoàng, đĩnh đạc. Lý tưởng của chàng là phải dựng nên được cơ đồ, sự nghiệp, tạo nên tiếng thơm muôn đời, giúp dân thoát khỏi cảnh bị áp bức, thỏa chí “đội trời đạp đất”của mình. Chàng mơ ước về một cuộc sống, một xã hội khác công bằng hơn, vậy nên chàng đã khoác áo ra đi để thực hiện mơ ước ấy của mình.

Khác với Thúc Sinh “nói chẳng nên lời”, Từ Hải xứng đáng là bậc trượng phu nghĩa lớn, dám nghĩ dám làm. Chàng muốn chứng minh được tài năng cũng như chí lớn, lý tưởng của mình, để cho thiên hạ có thể thấy được “mặt phi thường” của chàng. Đó quả là hành động của một bậc đại trượng phu! Không phải ai trong xã hội xưa cũng dám bày tỏ chí hướng của mình một cách bộc trực rõ ràng tới vậy. Không giống như Thúc Sinh chỉ cam chịu trở thành một người chồng bất tài dưới trướng của vợ để yên ấm, Từ Hải lại chọn con đường đầy chông gai để thực hiện mơ ước của mình. Chàng đã từng là người “thấy chuyện bất bình chẳng tha”, thế nên ta càng thấy lý tưởng anh hùng kia của Từ Hải thật mạnh mẽ, kiến trung, to lớn tới nhường nào.

Qua từng câu chữ nói chuyện với Kiều, ta có thể thấy Từ Hải đang ôm trong lòng khát vọng lớn lao thật lớn lao! Không chỉ là để thiên hạ thấy rõ được phẩm chất tài năng của mình, không chỉ thỏa mãn lý tưởng của mình mà còn muốn mang lại cho Kiều một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lý tưởng của chàng cũng là khát vọng mà Nguyễn Du theo đuổi, đó là một xã hội công bằng, ác giả ác báo thiện giả thiện lai.

Nguyễn Du đã vô cùng tinh tế khi dựng lên được cuộc trò chuyện tâm tình giữa Từ Hải và Kiều – những người “tâm phúc tương tri” để từ đó bộc lộ lý tưởng lớn mà Từ Hải đang ấp ủ, cũng là khát vọng cháy bỏng cả đời củ Nguyễn Du: Một xã hội công bằng, một người anh hùng xứng đáng là bậc trượng phu.

Bài mẫu số 2:

Là một trang nam tử hán, “đội trời đạp đất ở đời” hình ảnh nhân vật Từ Hải được tác giả Nguyễn Du khắc hoạ trong Truyện Kiều là “Đường đường một đấng anh hào” . Hơn thế, Từ Hải còn là ước mơ của Nguyễn Du về bậc trượng phu hào hiệp, mẫu hình lí tưởng đại diện cho công lí và tự do. Bởi thế, dẫu đang sống trong cảnh “hương lửa mặn nồng” với Thuý Kiều nhưng khát khao được gây dựng nghiệp lớn đã khiến chàng phải “động lòng bốn phương”. Những phẩm chất anh hùng của nhân vật Từ Hải đã được nhà thơ Nguyễn Du khai thác tinh tế qua những lời đối thoại trong cảnh tiễn biệt với Thuý Kiều qua đoạn trích “Chí khí anh hùng”.

Sau khi thoát khỏi lầu xanh lần thứ hai, cuộc đời của Thuý Kiều chuyển sang một bước ngoặt lớn. Từ Hải đã cứu nàng thoát khỏi vũng bùn lầy nhơ nhuốc, đưa nàng từ tận cùng của ô nhục lên tột bậc của danh giá. Từ gái lầu xanh nàng trở thành một mệnh phụ phu nhân, tạo điều kiện cho nàng được đền ân trả oán. Hai người đương sống trong cảnh hạnh phúc, tình yêu mặn nồng, thắm thiết bên nhau như đôi uyên ương hồ điệp, nhưng với phẩm chất của một con người có những hoài bão và khát vọng lớn lao, Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống hiện tại khi sống trong cảnh yêu đương mà chí lớn chưa được thoả lòng. Sự “động lòng bốn phương” đã thôi thúc Từ Hải lên đường gây dựng sự nghiệp. Lí tưởng anh hùng của Từ Hải được Nguyễn Du khai thác tinh tế qua cảnh tiễn biệt với Thuý Kiều.

 “Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp dường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”

Qua lời đối thoại, Từ Hải đã thể hiện chí khí, lòng quyết tâm ra đi là không gì lay chuyển được. Trong quan điểm về bậc anh hùng ở đời, Từ Hải cho rằng, người anh là phải tạo dựng được nghiệp lớn để thực hiện giấc mộng công lí. Từ cho rằng, giữa chàng và Thuý Kiều là những kẻ “tâm phúc tương tri” có nghĩa là hai người đã hiểu biết lòng dạ của nhau sâu sắc, vì vậy, nàng không phải là những “nữ nhi thường tình” nên hãy thấu hiểu cho tâm can ta, chí lớn của ta. Cách nói đó đã thể hiện khẩu khí ngời ngời của một đấng anh hào chí lớn, đàng hoàng, đĩnh đạc. Trong tâm trí của Từ Hải lúc này, sự nghiệp là trên hết. Vì thế, sau hơn nửa năm gắn bó, khát vọng ấy đã thôi thúc trái tim và lí trí chàng lên đường. Từ Hải không hứa hẹn mà chắc chắn rằng chàng sẽ trở về trong vinh quang với khí thế ngời ngời của “mười vạn tinh binh”, khi đó Thuý Kiều sẽ trở về với tư gia trong sự danh giá được nâng lên gấp bội phần. Khẩu khí ấy còn được thể hiện cụ thể qua các hình ảnh phi thường hào hùng “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường”, “bốn bể không nhà”. Dù là lời động viện để khích lệ tâm trạng của Thuý Kiều, nhưng có thể thấy đó là những lời nói của người có chí lớn, có khí phách.

Lời nói của Từ với Kiều không giống như lời chia tay tiễn biệt của người yêu với người yêu, không hẳn là cuộc chia tay của người chinh phu với người chinh phụ mà đó là lời của người anh hùng có bản lĩnh phi thường, muốn làm nên những điều kì vĩ, lớn lao với người “tâm phúc tương tri”.

 

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button