Lớp 11

Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay

Đề bài: Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay

tinh thoi su cua hinh tuong nguoi trong bao trong xa hoi hien nay

Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay

 

I. Dàn ý Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay
 

1. Mở bài

* Giới thiệu về tác giả Sê- khốp và truyện ngắn Người trong bao:
+ Sê-khốp là nhà văn kiệt xuất của nước Nga
+ Truyện ngắn Người trong bao xây dựng thành công một hình tượng mang tính điển hình – chiếc bao, đồng thời khái quát được vấn đề mang tính thời sự của đất nước Nga lúc bấy giờ.
 

2. Thân bài

– Khái quát vài nét ngắn gọn về nhân vật Bê-li-cốp và lối sống trong bao.
– Tính thời sự được thể hiện trong tác phẩm:
+ Lên án sâu sắc lối sống thu mình trong bao hèn nhát, bạc nhược của một bộ phận trí thức Nga đương thời -> chính lối sống ấy đã tạo ra những chiếc bao vô hình ngăn cách con người với thế giới bên ngoài.
+ Thực trạng sợ hãi cuộc sống và kiểu người trong bao tồn tại trong xã hội Nga đương thời như một căn “bệnh dịch” có khả năng lây lan một cách mạnh mẽ.
+ Sê-khốp đã khéo léo mà đầy sâu sắc tái hiện lại bầu không khí ngột ngạt, tù túng của xã hội Nga thế kỉ XIX.
-> Khẳng định lối sống nhu nhược, giáo điều là một thứ u nhọt có thể bào mòn đời sống tinh thần, gây nên tình trạng trì trệ, tăm tối trong xã hội.
 

3. Kết bài

Khái quát giá trị của truyện ngắn
 

II. Bài văn mẫu Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay

Sê-khốp là nhà văn kiệt xuất của nước Nga, trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Anh béo và anh gầy, Con kì nhông, Phòng số 6, trong đó truyện ngắn Người trong bao là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất làm nên tên tuổi và địa vị của Sê-khốp trên văn đàn thế giới. Qua truyện ngắn này, ông không chỉ xây dựng thành công một hình tượng mang tính điển hình – chiếc bao mà qua hình tượng đó ông đã khái quát được vấn đề mang tính thời sự của đất nước Nga lúc bấy giờ.

Truyện ngắn Người trong bao xoay quanh nhân vật trung tâm là Bê-li-cốp, một con người kì lạ với lối sống kì quặc, khác người: Luôn sống theo những thông tư, quy tắc cứng nhắc, bên trong con người đó là chất chồng những nỗi sợ hãi, thậm chí nó trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp khiến Bê-li-cốp sống thu mình trong một chiếc bao gò bó, tù túng. Xây dựng nhân vật Bê-li-cốp với những nét tính cách kì dị, khác người, nhà văn Sê-khốp không chỉ xây dựng thành công một nhân vật độc đáo ‘có một không hai” mà qua nhân vật này, nhà văn còn lên án sâu sắc lối sống thu mình trong bao hèn nhát, bạc nhược của một bộ phận trí thức Nga đương thời- đó là những con người sống giáo điều, hèn nhát không dám đối mặt với thực tại.

Bê-li-cốp là một “hiện tượng” kì dị trong mắt mọi người bởi lối sống cứng nhắc, bởi những hành động kì dị, khác người. Bê-li-cốp luôn mang theo bên mình những chiếc bao, bên trong chiếc bao ấy là những vật dụng hàng ngày như: Chiếc ô, đồng hồ quả quýt, con dao nhỏ…Ngay cả bản thân mình hắn cũng giấu trong chiếc áo bành tô cốt bông. Dường như Bê-li-cốp đang cố tạo ra một chiếc bao để bảo vệ mình khỏi những điều tồi tệ, những bất trắc có thể xảy đến, hành động cố thủ đến cực đoan chỉ vì nỗi lo sợ vô hình khiến Bê-li-cốp trở thành đối tượng bàn tán, chế giễu coi thường của người dân trong thành phố.

Thực trạng sợ hãi cuộc sống và kiểu người trong bao tồn tại trong xã hội Nga đương thời như một căn “bệnh dịch” có khả năng lây lan một cách mạnh mẽ. Đây là lí do vì sao sau khi Bê-li-cốp chết đi, người dân trong thành phố cảm thấy nhẹ nhõm, dễ chịu như vừa được giải thoát khỏi một thứ gì đó kinh khủng lắm, thế nhưng trạng thái ấy chẳng kéo dài lâu, chỉ ít ngày sau khi Bê-li-cốp chết đi cuộc sống lại u ám, tù túng như trước, bởi lẽ trong chính mỗi người dân trong thành phố đều ít nhiều mang trong mình “căn bệnh” Bê-li-cốp.

Sợ hãi là tâm lí thông thường của con người, đứng trước cuộc sống muôn hình vạn trạng lại vận động, biến đổi không theo mong muốn chủ quan của con người làm nảy sinh những nỗi sợ hãi, e ngại. Nỗi sợ khiến con người trở nên yếu đuối, nhỏ bé, thậm chí làm con người gục ngã và không bao giờ có thể vượt qua nó. Bê-li-cốp cũng vậy, hắn mang trong mình quá nhiều nỗi sợ hãi nhưng không dám đối mặt mà luôn hèn nhát giấu mình trong những chiếc bao tù túng: Đó là căn nhà chật chội hình vuông, là chiếc áo choàng dài, là chiếc kính đen, là chiếc ủng cao su. Thậm chí, ngay cả khi chết đi, nằm trong quan tài Bê-li-cốp vẫn gợi cho người đọc một suy nghĩ: Phải chăng đây là một sự giải thoát và liệu hắn có cảm thấy hạnh phúc vì cuối cùng mình cũng tìm thấy chiếc bao an toàn, nơi có thể bảo vệ hắn trước những biến cố của cuộc sống?

Như vậy, nhà văn Sê-khốp đã mạnh mẽ phê phán lối sống thu mình trong bao cùng thái độ sống hèn nhát, bạc nhược, chính lối sống ấy đã tạo ra những chiếc bao vô hình ngăn cách con người với thế giới bên ngoài. Thông qua câu chuyện về Bê-li-cốp nhà văn Sê-khốp đã khéo léo mà đầy sâu sắc tái hiện lại bầu không khí ngột ngạt, tù túng của xã hội Nga thế kỉ XIX, đồng khẳng định lối sống nhu nhược, giáo điều là một thứ u nhọt có thể bào mòn đời sống tinh thần, gây nên tình trạng trì trệ, tăm tối trong xã hội.

Hình tượng nhân vật Bê-li-cốp là phát hiện nghệ thuật vô cùng độc đáo của nhà văn Sê-khốp, bởi “người trong bao” Bê-li-cốp không chỉ là một nhân vật trong thế giới nghệ thuật nữa mà đã trở thành biểu tượng có sức gợi mạnh mẽ về một kiểu người, một kiếp người, một lối sống tiêu cực trong xã hội tăm tối, tù túng Nga đương thời.

Người trong bao mang ý nghĩa thời sự sâu sắc bởi nó không chỉ là phương tiện phản ánh thực trạng xã hội đầy nhức nhối của xã hội Nga trong một giai đoạn nhất định mà còn mang ý nghĩa đến tận ngày nay, đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nhận định: “Truyện Bê-li-cốp là một áng văn đả kích lên đến tuyệt đỉnh: Hình thù, tên họ nhân vật đã thành một cái sự, đã thành một hình dung từ ngày nay vẫn có tác dụng lớn”.

Cuộc sống hiện đại với những bước phát triển mạnh mẽ mang đến những đổi thay cho cuộc sống con người, tuy nhiên nó cũng làm cho con người cảm thấy bất an, lo sợ hơn. Xung quanh chúng ta và ở bất kì đâu trên thế giới vẫn và đang tồn tại căn bệnh Bê-li-cốp bởi ai cũng mang trong mình những nỗi sợ và trong hành trình phát triển con người vẫn phải đối diện với rất nhiều chiếc bao của mình. Để vượt qua con người cần mạnh mẽ đối diện để thức tỉnh bản thân khỏi những trạng thái tâm lí tiêu cực.

Để sống một cách ý nghĩa, mỗi người chúng ta cần có ý thức loại bỏ căn bệnh Bê-li-cốp, sống mạnh mẽ để khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

———————–HẾT————————-

Truyện ngắn Người trong bao không chỉ phản ánh hiện trạng xã hội Nga đương thời với những góc khuất bên trong tâm hồn con người mà những vấn đề được đặt ra trong tác phẩm còn có ý nghĩa thời sự đến tận ngày nay. Bên cạnh bài Tính thời sự của hình tượng người trong bao trong xã hội hiện nay, các em có thể tìm hiểu thêm về tác phẩm thông qua việc tham khảo một số bài văn hay lớp 11 như: Phân tích hình tượng Bê-li-cốp trong Người trong bao, Phân tích hình tượng cái bao trong truyện ngắn Người trong bao, Phân tích và nêu cảm nghĩ về Người trong bao của Sê-khốp, Suy nghĩ về cái chết của nhân vật Bê-li-cốp trong truyện ngắn Người trong bao.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button