Đề bài: Tóm tắt tình huống truyện Chữ người tử tù
Tóm tắt tình huống truyện Chữ người tử tù
Bài làm
1. Tóm tắt truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
Truyện Chữ người tử tù kể về nhân vật Huấn Cao là nhà cách mạng cương trực, tính cách khảng khái, một người có tài viết chữ đẹp nổi tiếng trong thiên hạ. Nhưng đồng thời ông cũng là một tên tử tù sắp bị tử hình bởi lí do cầm đầu nhóm phản loạn chống đối lại triều đình. Viên quản ngục vốn là người yêu cái đẹp, lại đặc biệt hâm mộ tài viết chữ đẹp của Huấn Cao nên khi biết tin người tù sắp ra pháp trường bị giải đến nhà lao ông cai quản thì vô cùng vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng bởi không biết làm thế nào mới có thể xin được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà. Vào đêm trước khi ông Huấn bị hành quyết, viên quản ngục đã quyết định xin chữ, ban đầu Huấn Cao tỏ ý khinh miệt, không thèm để ý tới, tuy nhiên sau khi hiểu rõ tấm lòng chân thành của viên quản ngục, ông vô cùng xúc động và đồng ý cho chữ ngay trong cảnh lao tù đầy ẩm thấp, chật chội.
2. Tình huống truyện Chữ người tử tù
Nguyễn Tuân đặt hai nhân vật là Huấn Cao và viên quản ngục vào tình huống vô cùng trớ trêu: Một bên là người yêu cái đẹp nhưng lại là quản ngục, nắm quyền sinh quyền sát trong tay – Một bên là người tạo ra cái đẹp nhưng lại là tên tử tù sắp bị hành quyết → Họ gặp gỡ trong tù ngục, trong hoàn cảnh hết sức éo le, trớ trêu.
– Xét trên phương diện nghệ thuật: Họ là những người tri âm tri kỉ, có tâm hồn đồng điệu
– Xét trên phương diện xã hội: Họ là những kẻ đối lập nhau về địa vị xã hội: Kẻ tử tù chống lại triều đình – người đại diện cho cường quyền của triều đình
→ Vậy mà trong chốn lao tù, xuất hiện “cảnh tượng cho chữ xưa nay chưa từng có”:
+ Không gian cho chữ: Nhà tù chật chội, ẩm mốc, bẩn thỉu
+ Thời gian: Buổi đêm trước ngày Huấn Cao bị hành hình
+ Người đại diện cho cường quyền triều đình đồng thời là người xin chữ: “khúm núm”, “tay run run bưng chậu mực”; sau khi nghe lời khuyên của tên tử tù Huấn Cao “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”
+ Người tử tù và cũng là người cho chữ: “Cổ đeo gông, chân vướng xiềng”, đang dậm tô những nét chữ “vuông, tươi tắn nói lên hoài bão tung hoành của một đời con người”; đưa ra lời khuyên quản ngục nên về quê mà ở để gìn giữ thiên lương.
→ Trước cái đẹp, mọi trật tự xã hội đều bị đảo lộn.
3. Ý nghĩa tình huống truyện Chữ người tử tù
– Tình huống truyện mà Nguyễn Tuân sáng tạo ra góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm: Cái đẹp luôn là bất tử và có sức mạnh cảm hóa, cứu rỗi con người, nó luôn chiến thắng mọi cái ác, cái xấu xa.
– Qua tình huống truyện, tính cách các nhân vật cũng được bộc lộ rõ nét:
+ Viên quản ngục là người chuộng cái đẹp, “biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc”, biết trân trọng cái đẹp và người tạo ra cái đẹp, “như một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật thì hỗn độn xô bồ”.
+ Huấn Cao: Là người có tài, khí phách hiên ngang, cứng cỏi, khảng khái và thiên lương trong sáng, cao đẹp.
– Góp phần tạo điều kiện đẩy cốt truyện phát triển lên đến cao trào, lôi cuốn, thu hút người đọc.
——————- Hết ———————
Bên cạnh bài Tóm tắt tình huống truyện Chữ người tử tù, các em cũng có thể đón đọc thêm một số bài tóm tắt văn bản khác trong tài liệu Những bài văn hay lớp 11 như: Tóm tắt Chí Phèo, Tóm tắt Hai đứa trẻ, Tóm tắt Chữ người tử tù, Tóm tắt Người trong bao, Tóm tắt Hạnh phúc của một tang gia…