Lớp 11

Trình bày ý kiến về quan niệm của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Đề bài: Trình bày ý kiến về quan niệm của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

trinh bay y kien ve quan niem cua nguoi xua dan ba cho ke thuy van thuy kieu

Trình bày ý kiến về quan niệm của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

 

I. Dàn ý Trình bày ý kiến về quan niệm của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

1. Mở bài

– Sơ lược về nền giáo dục phong kiến.
– Dẫn vào câu nói của ông cha “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

2. Thân bài

a. Nguồn gốc và ý nghĩa câu nói:

– Xuất phát từ câu nói đầy đủ:

“Đàn ông chớ kể Phan, Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”

– Thể hiện rất rõ ràng quan niệm phong kiến cổ hủ về chuẩn mực đạo đức con người, người xưa và Nho giáo thường không nhìn đến những giá trị nhân văn, nhận đạo mà chỉ xét về khía cạnh đạo đức thông qua lối ứng xử của con người, thông qua những cái bề ngoài để đánh giá, phán xét tốt xấu.
– Phê phán tình yêu của Phan Sinh và Trần Kiều Liên, cho rằng nó làm nam nhi yếu đuối, nhu nhược.
– Phê phán nhân vật Thúy Kiều vì nhiều lẽ:
+ Táo bạo trong tình yêu, tự định chung thân với Kim Trọng.
+ Trở thành gái lầu xanh, lối sống hoang lạc.
+ Phản bội Kim Trọng, có nhiều chồng, phá hoại hạnh phúc gia đình của Hoạn Thư, Thúy Vân.
→ Đúng nhưng còn phiến diện, chưa có sự thông cảm và thấu hiểu cho hoàn cảnh của nhân vật, bỏ qua vẻ đẹp nhân cách của Thúy Kiều.

b. Phản biện:

– Vẻ đẹp cả ngoại hình lẫn tài năng của Thúy Kiều đáng được công nhận.
– Là người con có hiếu, trong hoàn cảnh rối rắm chỉ còn cách bán mình làm vợ người ta để cứu cha và em.
– Không chủ định làm kỹ nữ, mà nàng bị lừa bán vào lầu xanh, từng tự tử chết hai lần để tránh kiếp gái lầu xanh tuy nhiên không thành → Lòng tự trọng, giữ gìn danh tiết bằng mọi giá.
– Mối liên quan đến một loạt nam nhân Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải, Kim Trọng → Khao khát sự che chở, hạnh phúc sau những bất hạnh liên miên, muốn thoát khỏi số kiếp nhục nhã để về sống một cuộc sống bình yên, nhưng vô tình lại gây ra nhiều trái ngang.
– Vẫn một lòng với Kim Trọng dù gặp nhiều trái ngang, khổ sở (Dẫn chứng thơ trong đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích).
→ Bi kịch của Kiều xuất phát từ chính chế độ phong kiến hà khắc cổ hủ và lạc hậu, là đôi mắt quá đỗi khắt khe của những con người theo nề nếp Nho học đã đẩy Kiều xuống tận cùng của vực thẳm bi kịch, Kiều đã cố tìm cách chống lại, chết, tìm người giúp đỡ ra khỏi lầu xanh, nhưng cuối cùng Kiều vẫn bị đẩy trở lại vẫn phải chịu điều tiếng nhơ nhuốc thiên thu.

c. Nhận xét về Truyện Kiều:

– Thể hiện tấm lòng cảm thông, trân trọng đối với số phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến quá đỗi hà khắc.
– Tố cáo sự bất công ngang trái của chế độ cũ đã chèn ép, gây nên bao bất hạnh cho con người.
→ Tinh thần nhân đạo, nhân văn đi trước thời đại của Nguyễn Du.

3. Kết bài

– Nêu cảm nghĩ cá nhân.

 

II. Bài văn mẫu Trình bày ý kiến về quan niệm của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều

Lễ giáo phong kiến cứng nhắc cùng với Nho giáo thịnh hành thuở trước từng đưa con người vào những khuôn phép nhất định, nền giáo dục nào có nhiều tư tưởng tốt đẹp và đáng quý ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con người đặc biệt là trong quá trình hình thành nhân cách đạo đức. Tuy nhiên giữa trăm ngàn cái tốt thì hệ tư tưởng này vẫn để lộ ra nhiều nhược điểm, đó là sự khắt khe quá mức đối với con người đặc biệt là đối với người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, nó khiến người phụ nữ không có vị thế trong xã hội, đề cao tư tưởng trọng nam khinh nữ, đặc biệt là xem thường chuyện nữ nhi tình trường, không coi đó là một phần của cuộc sống con người. Điều đó đã trực tiếp dẫn đến nhiều bất công trong xã hội, thậm chí đến cả tác phẩm được coi là tuyệt tác của nền văn học Việt Nam – Truyện Kiều dưới sức ảnh hưởng của nền Nho học cũng bị phê phán ít nhiều, bởi nó viết về người phụ nữ, lại còn là một kỹ nữ. Sự sai lầm và cứng nhắc trong quan niệm của xã hội cũ thể hiện rất rõ trong một câu ví của ông cha ta thuở trước đó là “Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”.

Thú thực rằng sống trong xã hội hiện đại, đã được tìm hiểu tường tận về Truyện Kiều hoặc chí ít là nghe qua ai cũng phải bất ngờ bởi câu nói có ý răn dạy lại có chút khinh khi về hai nhân vật chính trong tác phẩm vốn là niềm tự hào của dân tộc. Nhưng khi tìm về với lễ giáo phong kiến thì ta mới hiểu được nội dung và ý nghĩa của nó. Thực tế câu nói đầy đủ là:

“Đàn ông chớ kể Phan, Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều”

Đây là câu nói phổ biến thể hiện rất rõ ràng quan niệm phong kiến cổ hủ về chuẩn mực đạo đức con người, người xưa và Nho giáo thường không nhìn đến những giá trị nhân văn, nhận đạo mà chỉ xét về khía cạnh đạo đức thông qua lối ứng xử của con người, thông qua những cái bề ngoài để đánh giá, phán xét tốt xấu. Thế nên hệ quả là tất cả những gì tốt đẹp nhân văn, hoặc nỗi thống khổ đớn đau của con người đều bị bỏ qua, không màng tới. Người ta lên án một tình yêu đẹp nhưng gặp nhiều trắc trở trong truyện thơ Phan Trần của hai nhân vật Phan Sinh và Trần Kiều Liên, chỉ bởi vì nó diễn ra ở chốn chùa chiền thanh tịnh, thoát tục. Phê phán chàng Phan Sinh, răn dạy nam nhi không được như Phan Sinh bởi trong truyện có đoạn chàng thất tình vì bị Kiều Liên từ chối mà đâm ra ý định tự tuyệt. Mà theo như quan niệm phong kiến, nam nhi sức dài vai rộng, chí ở bốn phương sao có thể vì thứ tình cảm nữ nhi thường tình làm lung lay, rồi trở nên yếu đuối ủy mị không tha thiết gì như thế. Tương tự đối với Thúy Kiều, Thúy Vân thì ánh mắt của người xưa lại càng trở nên khắt khe, cay nghiệt, lễ giáo phong kiến đã chèn ép, trói buộc phụ nữ đủ đường. Trong quan niệm đạo đức của các nhà Nho xưa, phận là đàn bà phải có đầy đủ “công dung ngôn hạnh”, phải giữ đứng “tam cương ngũ thường”, “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, không được phép hai lòng, phải xem đàn ông là trời, chuyện chung thân đại sự cũng không thể tự mình quyết định. Mà xét Thúy Kiều của Nguyễn Du quả thực đã vượt ra khá nhiều so với chuẩn mực đạo đức cũ, các nhà nho xưa cho rằng nàng không giữ đạo làm phụ nữ, không có cung cách ứng xử phù hợp với lễ giáo phong kiến. Đầu tiên phải kể đến chuyện nàng nửa đêm vượt tường gặp tình lang là Kim Trọng, tự ý quyết định chung thân, tự do yêu đương qua lại mà không có sự cho phép của trưởng bối. Hai nữa, chuyện Thúy Kiều bị phê phán nhiều nhất ấy là việc nàng trở thành kỹ nữ suốt 15 năm trời, chấp nhận trở thành thú mua vui cho đàn ông khắp thiên hạ bằng cái tài sắc vốn có, mà đối với xã hội xưa kỹ nữ thậm chí còn có địa vị thua cả một kẻ hầu, bị khinh khi, miệt thị vô cùng. Có thể nói Thúy Kiều trong quan niệm xưa cũ là một người đàn bà trắc nết, lăng loàn không biết đến liêm sỉ, sống trong nỗi nhục nhã, dơ bẩn của một kiếp gái lầu xanh. Một cái tội khác của Thúy Kiều trong quan niệm cũ ấy là nàng đã phản bội lại lời thề với Kim Trọng, người mà nàng đã ước định chung thân để ngã vào lòng của những nam nhân khác trong suốt 15 năm lưu lạc, có thể kể sơ một số người đã bước qua cuộc đời nàng và nàng có ý định cùng họ tính chuyện trăm năm như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Thúc Sinh, cuối cùng là Từ Hải. Như vậy Thúy Kiều bị cho là người đàn bà không giữ trọn đạo danh tiết, không biết đến chung thủy khi qua lại như vợ chồng với nhiều người đàn ông khác nhau. Thậm chí Thúy Kiều bị ghét, bị chối bỏ trong xã hội phong kiến còn bởi lẽ nàng phá hoại hạnh phúc gia đình của Thúc Sinh, Hoạn Thư, rồi sau 15 năm lưu lạc lại quay về phá nát cả hạnh phúc của Thúy Vân và Kim Trọng. Nếu nói không ngoa thì cuộc đời của Thúy Vân cứ tưởng bình yên, vui vẻ nhưng nỗi đau mà nàng chịu đựng khi bị ép duyên với tình lang của chị, rồi khi chung chồng với chị có lẽ cũng đáng để cảm thông và đau xót.

Xét trên bình diện của lễ giáo phong kiến thì Thúy Kiều khó tránh thoát khỏi những cáo buộc trên bởi mọi sự đã quá rõ ràng, nhưng vẫn phải nói lại quan niệm của người xưa còn quá khắc nghiệt khắt khe với người phụ nữ. Vấn đề của Thúy Kiều không thể chỉ được xem xét một cách phiến diện và bảo thủ như vậy, bởi nó đã bỏ qua hết những nguyên nhân về cuộc đời bi kịch của Kiều, cũng như chối bỏ hết những vẻ đẹp trong nhân cách của nàng, không thể hiện được tính nhân đạo, nhân văn trong cuộc đời, cũng như chưa thấu hiểu và cảm thông được cho thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc. Vậy nên để xét một cách toàn diện chúng ta nên lấy quan điểm tiến bộ của thế giới hiện đại để bình phẩm về nhân vật này. Trước hết nói về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Vân, Thúy Kiều Nguyễn Du đã dành cả một đoạn thơ để nói về hai nhân vật này, Kiều không chỉ có sắc đẹp “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” mà nàng còn là một người con gái tài sắc vẹn toàn, thơ ca nhạc họa không gì mà nàng không biết, đặc biệt là có Hồ cầm trác tuyệt khó ai có thể bì kịp. Thứ hai nàng là người con hiếu thảo, yêu thương gia đình, trước gia biến một thiếu nữ độ 15, 16 tuổi, chân yếu tay mềm thì còn có cách gì để cứu cha, cứu em ngoài việc dằn lòng bán thân? Hơn nữa phải xét thật kỹ là Thúy Kiều không chủ đích trở thành gái lầu xanh, rõ ràng rằng một người con gái được nuôi dạy trong trướng rủ màn che sao có thể tùy tiện như vậy, chỉ là số kiếp nàng định phải đoạn trường nên mới nên cớ sự. Ta thấy rất rõ rằng Kiều buộc phải dứt tình với Kim Trọng, bán mình cho Mã Giám Sinh, một tên đàn ông giàu có ngoài 40 tuổi làm vợ, để lấy một món tiền lớn chuộc cha, Thúy Kiều cũng là bị ép không còn con đường nào khác. Nhưng nàng không ngờ được tên họ Mã kia lại là một kẻ dắt gái, từ đây nàng phải bước chân vào chốn phong trần không lối thoát, thế nhưng Kiều nào có chấp nhận số phận làm kỹ nữ, nàng đã hai lần tìm đến cái chết, nhưng đều không chết được, thử dùng tư duy mà suy nghĩ thì người chết hụt hai lần liệu có còn muốn tìm đến nó lần thứ ba hay không? Lại nói đến việc Thúy Kiều từng xem nhiều người đàn ông làm chồng ngoài mối tình với Kim Trọng, thực tế nếu nhìn nhận một cách khách quan thì chuyện đó không hề sai trái, cuộc sống địa ngục, nhục nhã ở lầu xanh đã khiến Thúy Kiều khao khát tìm được một mái ấm, một người có thể che chở cho nàng, cứu nàng ra khỏi chốn nhơ nhuốc nhục nhã. Công bằng mà nói Thúy Kiều đang cố vùng vẫy, đang cố tự giải thoát cho bản thân mình, mối quan tâm của những người đàn ông đó dù giả dối hay chân thành thì đối với Thúy Kiều cũng như tấm chăn giữa trời đông giá lạnh, còn Thúy Kiều thì như người chết đuối vớ được cọc. Như vậy chẳng phải cuộc đời Thúy Kiều quá mức bi kịch để người ta phán xét hay khinh miệt nàng hay sao? Lại nói đến mối tình với Kim Trọng, đó là mối tình đẹp, một mối tình vượt lên trên lễ giáo phong kiến nhưng nó phản ánh được cảm xúc chân thật của con người trong tình yêu, đó là khao khát được đến bên nhau, hướng về nhau, có thể khi ấy Thúy Kiều và Kim Trọng trái với đạo đức, thế nhưng không thể chối bỏ tình cảm giữa hai trái tim trẻ. Rồi cũng không thể nói Thúy Kiều tráo trở, vào chốn phong hoa tuyết nguyệt thì quên mất cả mối tình với Kim Trọng, nhưng thực tế rằng một con người gặp biết bao nhiêu biến cố trong cuộc đời, nhà tan cửa nát, bị cưỡng ép làm gái lầu xanh, tự tử hai lần bất thành thì còn nghĩ ngợi gì đến tình yêu không? Câu trả lời là khó, nhưng Thúy Kiều vẫn hằng mong nhớ về Kim Trọng một mối tình đầu mới chớm không lâu. Lấy ví dụ trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có câu:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ”

Kiều vẫn nhớ Kim Trọng tha thiết, nhớ đến chàng trước cả khi nhớ đến gia đình, quê hương đấy thôi, sao có thể nói là nàng phụ bạc, bội nghĩa, thật oan quá. Lại nói Kiều ở lầu xanh chưa từng có một ngày vui, nàng vẫn ý thức được sâu sắc thân phận cùng với nhân phẩm của mình, có lẽ rằng hồn nàng chẳng ở cùng với tấm thân nàng, người cười nói kia cũng chẳng phải nàng, trái tim của Kiều đã chết dần theo năm tháng.

Đó là nói về nhân cách và phẩm giá của Kiều, lại nói vì cớ gì mà Thúy Kiều phải chịu cái kiếp hồng nhan bạc mệnh như vậy, có lẽ những nhà nho của chế độ phong kiến sẽ chẳng bao giờ dám nhìn nhận, bởi chính cái xã hội quá nhiều bất công, quá nhiều ngang trái đã đẩy Thúy Kiều vào con đường bi kịch mười lăm năm ấy. Ai đã làm cho cha và em Thúy Kiều phải chịu cảnh tù đày, ai đã đã nảy sinh ra cái lầu xanh nhơ nhuốc, ở đâu cái cảnh buôn bán con người công khai, rồi ở đâu cái quy luật đàn ông tam thê tứ thiếp để cả Kiều và Hoạn Thư và Thúy Vân phải chịu đớn đau? Cuối cùng câu trả lời chỉ có một là chế độ phong kiến hà khắc cổ hủ và lạc hậu, là đôi mắt quá đỗi khắt khe của những con người theo nề nếp Nho học đã đẩy Kiều xuống tận cùng của vực thẳm bi kịch, Kiều đã cố tìm cách chống lại, chết, tìm người giúp đỡ ra khỏi lầu xanh, nhưng cuối cùng Kiều vẫn bị đẩy trở lại vẫn phải chịu điều tiếng nhơ nhuốc thiên thu.

Nỗi đau này của Thúy Kiều ai có thể thấu hiểu, ai có thể thông cảm cho đây, giữa lúc đó chỉ có Nguyễn Du một nhà thơ dù sống trong triều đại phong kiến, dưới sự giáo dục của nền nếp Nho học, thế nhưng dường như tư tưởng của người đã đi trước thời đại cả hàng trăm năm. Nguyễn Du đã quá thấy hiểu số phận khắc nghiệt và hẩm hiu bị chèn ép của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến hà khắc, cổ hủ và lạc hậu, ông đã tinh mắt, trân trọng và ca ngợi vẻ đẹp tài sắc, vẹn toàn của Thúy Kiều, Thúy Vân, thấu hiểu và thông cảm xót thương cho một kiếp hồng nhan bạc mệnh, cũng như thân phận người phụ nữ trước cái nhìn phiến diện, cứng nhắc, trọng nam khinh nữ của xã hội cũ. Đồng thời tố cáo sự tàn ác, lạc hậu nhiều quy tắc bất công của xã hội phong kiến xưa, chèn ép con người, không cho con người được sống tự do với tình yêu, không cho người phụ nữ được hạnh phúc, kìm nén cái tôi cá nhân đến mức khốn khổ, khiến con người không bộc lộ được những giá trị tốt đẹp của bản thân.

Có thể nói rằng bằng ánh nhìn nhân văn, nhân đạo Thúy Kiều, Thúy Vân là những đại diện cho người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, là nạn nhân chứ không phải tội đồ, cuộc đời của họ phản ánh chân thực một thời đại đã qua của lịch sử Việt Nam mà chúng ta phải trân trọng, quý mến chứ không phải là phê phán, chê trách bằng ánh nhìn phiến diện, hà khắc và có phần cổ hủ.

————————HẾT————————-

Bên cạnh bài Trình bày ý kiến về quan niệm của người xưa: Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều, các em học sinh có thể tham khảo thêm: Phân tích thái độ của nhân vật Huấn Cao đối với viên quản ngục trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Phân tích nhân vật Thuý Kiều để làm nổi bật giá trị nhân đạo của Truyện Kiều, Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, Phân tích vẻ đẹp của Thuý Vân và Thuý Kiều trong đoạn trích Chị em Thuý Kiều.

cdnthuathienhue.edu.vn

Trường Cao Đẳng nghề Thừa Thiên Huế được thành lập theo Quyết định số 209/QĐ-LĐTBXH ngày 22/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Là một trong những trường đào tạo nghề trọng điểm của Tỉnh Thừa Thiên Huế và là một trong 36 trường dạy nghề được đầu tư tập trung bằng nguồn vốn dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" giai đoạn 2001-2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Có thể bạn cần

Back to top button